Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy hoạch xây dựng góp phần chỉnh trang, tái thiết đô thị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuy hoạch xây dựng góp phần chỉnh trang, tái thiết đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà |
TS Nguyễn Thành Luân cho biết, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực để phát triển.
Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cần sửa đổi bổ sung về quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà ở, phát triển đô thị, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về “tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”, tạo sự linh hoạt cho TP Hà Nội, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Luật Thủ đô năm 2012 và Điều 20, Điều 21, Điều 22 trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho HĐND TP được chủ động ban hành một số biện pháp về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch và quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị.
Cụ thể, về quản lý, sử dụng đất đai, thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung quản lý Nhà nước về đất đai, đặc biệt trên các lĩnh vực quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm soát, quản lý sử dụng quỹ đất; quản lý tài chính về đất đai và giá đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất,… Trong khi giá đất thị trường rất cao, có nơi lên tới 1 tỷ đồng/m2. Trong khi mặt bằng thu nhập dân cư, mức hưởng dụng và khả năng sinh lời của đất đai ở Hà Nội thấp hơn nhiều so với các TP lớn trên thế giới, gây hậu quả xấu về nền kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn là do mức đền bù thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường.
Việc duy trì quá lâu cơ chế hai giá trong tính bồi thường GPMB và hạch toán chi phí đất đai đầu vào cho khác DN thuê đất, công tác bồi thường thu hồi đất GPMB gặp nhiều khó khăn, mâu thuẫn. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai thời gian qua dựa vào cơ chế hai giá, đó là giá do Nhà nước quy định rất thấp so với giá thị trường, làm thất thoát nguồn lực lớn và cơ bản của xã hội. Ngoài ra, do không tính đủ các chi phí đầu vào là đất đai nên các dự án không thể hạch toán, kinh doanh hiệu quả.
Chính vì vậy, trong dự thảo lần này, phân quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành nguyên tắc quản lý, sử dụng khoảng không và không gian ngầm để xác định quyền sử dụng đất và điều kiện để cấp giấy phép xây dựng, các quy định về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; ranh giới chiều cao, độ sâu của công trình theo từng ô quy hoạch. Quy định một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo cơ chế linh hoạt cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, người dân. Phân quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho TP Hà Nội. Cho phép Hà Nội được thành lập mới DN do Thủ đô nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô.
Về phát triển nhà nên giao HĐND TP Hà Nội quy định cụ thể một số chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô như: Quy định chính sách cải tạo, xây mới nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp, chung cư cũ, chỉnh trang nhà ở các ô phố và niên hạn sử dụng các nhà chung cư cao tầng. Sử dụng vốn từ ngân sách của TP Hà Nội hoặc từ Quỹ Đầu tư phát triển TP để lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo các nhà ở cũ có một chủ sở hữu là Nhà nước,… Trong đó có chính sách phát triển các TP thuộc TP Hà Nội và đô thị vệ tinh, đô thị mới, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cơ chế chia sẻ lợi ích của nhà đầu tư với Nhà nước và người dân.
TS Nguyễn Thành Luân nhấn mạnh, Luật Thủ đô sửa đổi cần có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện cơ chế vượt trội, đột phá về thể chế, phát huy thế mạnh của Thủ đô. Tạo sự đồng bộ để khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại