Thứ sáu 19/04/2024 00:16

Giảm thuế đối với xăng, dầu góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6/7/2022 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ, theo đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá xăng, dầu trong nước đang tăng cao hiện nay...
Giảm thuế đối với xăng, dầu góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Giảm thuế đối với xăng, dầu góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 11/7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 6/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 5/2022).

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, thiết kế lại môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn, một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách học sinh.

Đặc biệt, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6/7/2022 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ, theo đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá xăng, dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, lo lắng về tình trạng giá xăng, dầu vẫn ở mức cao đã kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; tình trạng chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân vẫn còn ở một số nơi; việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại một số đô thị, khu dân cư nhưng không đồng bộ với các quy hoạch khác đã được phê duyệt trước đó gây quá tải hạ tầng giao thông, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích tại một số dự án; việc sử dụng tài sản công, nhất là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trái quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước…

Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo trong 2 tháng, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, nổi lên 22 vụ việc khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, môi trường, quản lý và vận hành chung cư thương mại có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Trong tháng 6, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ ba của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.611 kiến nghị của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật...

Thảo luận về báo cáo, nhận định công tác dân nguyện ngày càng đi vào nền nếp, tuy nhiên, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tính hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo là thước đo về công tác dân nguyện. Trưởng ban Công tác đại biểu cũng đề nghị so sánh giữa các thời điểm báo cáo để có cách nhìn tổng quan về công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, báo cáo bổ sung việc cử tri lo lắng trước tình trạng nhiều cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập để làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị giải quyết, chấn chỉnh tình trạng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội về các loại thuốc, thực phẩm chức năng... không đúng như chất lượng của sản phẩm, gây thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc của người dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ngoài chức năng giám sát, báo cáo cần có những kiến nghị, đề xuất biện pháp giải quyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đối với những vấn đề nổi lên trong kỳ báo cáo. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, bên cạnh các bộ, ngành thì Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh cũng cần nắm tình hình báo cáo dân nguyện để có biện pháp giám sát trên địa bàn, từ đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm được tổng quát các vấn đề tại địa phương.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng cử tri trên địa bàn để báo cáo Quốc hội...

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Chính thức thông qua Nghị quyết giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong sáng nay 6/7
Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được công bố
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động