Giai điệu hạnh phúc của nghề báo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững người lính hết lòng phụng sự đất nước, Nhân dân. Ảnh: A.N |
Kỷ niệm với người con Thủ đô nơi đảo xa
Một trong những may mắn và hạnh phúc của người làm báo là được tham gia những chuyến công tác tại vùng biên cương, hải đảo. Những chuyến đi ấy đã giúp tôi cùng nhiều đồng nghiệp hiểu hơn về cuộc sống, công việc của những người lính đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Cách đây vài năm, tôi tham gia chuyến công tác, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tại Vùng 5 Hải quân – Hải đảo Tây Nam. Đây cũng là chuyến công tác hải đảo đầu tiên trong nghiệp làm báo của tôi. Giữa biển trời bao la, cảm giác xúc động, xen lẫn tự hào cứ len lỏi trong trái tim tôi.
Trong chuyến đi này, tôi đã có cuộc trò chuyện với một người con của Thủ đô Hà Nội. Đó là bác sĩ quân y Nguyễn Văn Quang, công tác tại Trạm ra - đa 595 (đảo Hòn Khoai, Cà Mau). Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ngành y tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ước mơ trở thành bác sĩ cứu người đã thôi thúc anh Quang cố gắng trong học tập, tốt nghiệp trung cấp quân y, rồi về công tác tại Phú Quốc (Kiên Giang), sau đó, chuyển công tác ra đảo Hòn Khoai (Cà Mau). Những năm tháng gắn bó với mảnh đất này, anh Quang không kể ngày đêm, mưa nắng hay đường xa trơn trượt, dốc cao nối dốc cao, chỉ cần biết tin các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo bị ốm đau là anh tức tốc đến ngay.
Điều mà tôi cũng rất ấn tượng về nhân vật này chính là câu chuyện tình yêu đầy cảm động của anh và bà xã. Hai người yêu nhau từ thời sinh viên. Nhận nhiệm vụ ở nơi xa xôi, nhiều lần anh Quang có suy nghĩ: hay là mình chia tay cho cô ấy đỡ khổ. Có lần, anh Quang thẳng thắn với người yêu: “Em ơi, có lẽ mình chia tay đi. Anh công tác ở xa không có nhiều cơ hội về. Lấy anh em sẽ khổ”. Những tưởng mình đã nản, bạn gái càng nản hơn nhưng bà xã anh Quang “phán” luôn một câu: “Mình cưới luôn anh nhé”.
Sau đám cưới không lâu, anh Quang phải chia tay vợ vào đơn vị tiếp tục công tác. Những năm 2007, 2008, điện thoại di động chưa thông dụng, mạng điện thoại còn chưa ra đến Hòn Khoai, tình yêu của anh chị được trao gửi qua những cánh thư xuôi ngược giữa hai miền Nam – Bắc. Bao yêu thương chất chứa cứ thế được gửi gắm vào đó một cách gần gũi, bình dị mà da diết.
Ngày bà xã sinh con đầu lòng, anh Quang không có nhà. “Mình là bác sĩ nên mình biết những lúc sinh con, người phụ nữ rất cần chồng bên cạnh động viên, chăm sóc nhưng vợ mình không có được điều đó. Đó là sự thiệt thòi của những người vợ lính” - anh Quang tâm sự. Lo lắng cho vợ nhưng người động viên anh khi đó lại chính là bà xã. Chị mong anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, việc gia đình đã có chị chu toàn. Vài năm sau, anh chị có thêm bé thứ hai. Mỗi lần anh về, những đứa trẻ thi nhau chạy ra ôm hôn bố sau nhiều tháng ngày xa cách. Chúng hít hà, sờ nắn gương mặt nhuốm màu nâu rắn rỏi bởi nắng gió hải đảo của bố. Hỏi anh Quang, cảm xúc của anh khi đó thế nào? Anh gói gọn bằng 2 từ “hạnh phúc”.
Đằng sau bước chân, sự vinh quang của người lính là những hy sinh thầm lặng, là tình yêu son sắt, thủy chung của những người vợ tại quê nhà. Tình yêu gia đình của người lính đã hòa vào tình yêu đất nước. Họ nâng niu, trân trọng hạnh phúc gia đình, tình chồng nghĩa vợ bằng chính việc hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng và cao cả: bảo vệ đất nước.
Lá chắn thép bảo vệ biên cương
Năm nay, được sự phân công của Ban Biên tập và lãnh đạo ban, tôi đã có chuyến công tác cùng Hội Nhà báo TP Hà Nội tại các đồn biên phòng tỉnh Điện Biên, nhân dịp đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Có đi, có nghe, có nhìn, chúng tôi mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả và nguy hiểm trong công việc của những người lính biên phòng.
Một trong những nhân vật tôi ấn tượng nhất chuyến đi là thượng úy Lê Huy Hoàng - Đội trưởng Đội trinh sát, Đồn Biên phòng Thanh Luông (huyện Điện Biên). Anh là cán bộ dạn dày kinh nghiệm khi tham gia nhiều chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Thượng úy Lê Huy Hoàng chia sẻ, việc vây bắt các đối tượng buôn bán ma túy phải hết sức cẩn trọng, đảm bảo an toàn cho cả lực lượng đánh án và quần chúng Nhân dân khu vực phá án.
Thượng úy Lê Huy Hoàng cho biết, để đánh án thành công, các khâu chuẩn bị đều được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ. Chia sẻ về những tháng ngày đóng quân đầy gian nan trong rừng, thượng úy Lê Huy Hoàng kể: “Đồ tàng mang theo khi đánh án có khi chỉ đơn giản là chai nước, nắm xôi, chút cơm, quả trứng. Đánh án trong rừng, nhất là di chuyển trong đêm tối, mưa gió khá nguy hiểm, chuyện bị vắt cắn là bình thường nhưng anh em vì tập trung tiếp cận mục tiêu nên về nhà mới phát hiện vắt đã hút máu no mòng. Đó chỉ là những khó khăn rất nhỏ trong công việc của chúng tôi. Chỉ cần nghĩ đến nhiệm vụ được giao, với mong muốn mang lại cuộc sống bình yên cho người dân, tôi và các đồng đội lại động viên nhau cùng cố gắng, góp phần giữ gìn biên cương sạch bóng ma túy”.
Những chuyến tác nghiệp, những nhân vật tôi gặp, những rung cảm với cuộc đời, với con người,… đã trở thành những dấu ấn sống mãi trong tim tôi. Đó là những nốt nhạc dệt nên giai điệu hạnh phúc trong hành trình làm báo. Tôi tin rằng, hành trình theo đuổi đam mê của tôi từ khi bắt đầu cho đến mãi về sau sẽ luôn là chuyến tàu thanh xuân rực rỡ nhất cuộc đời. Dù là khởi hành, giương buồm giữa trùng khơi hay cập bến, chuyến tàu đó vẫn đầy ắp tình yêu, sự trân trọng nghề, những khát vọng, nỗ lực để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với mọi người. Phía sau tôi vẫn luôn có hậu phương vững chắc cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh. Đó là gia đình, đồng nghiệp và độc giả thân yêu.
Đong đầy tình yêu nghề báo Tròn 10 năm theo nghề báo, đôi lúc có thời điểm chông chênh trong cuộc sống nhưng mỗi buổi sáng mở chuyên trang điện tử ... |
Những khoảnh khắc nghề Báo Nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ấn phẩm Pháp luật & Xã hội, báo Kinh tế & Đô thị xin ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại