Gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, giá ôtô sản xuất trong nước có giảm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc giãn thời gian nộp thuế giúp giảm áp lực tài chính cho các DN, giúp họ không phải đi vay, không phải trả lãi |
Giải pháp cấp bách
Tại phương án vừa được trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 9/2022. DN sẽ phải nộp đầy đủ số thuế được gia hạn này trước ngày 20/11/2022.
Bộ Tài chính thống kê, trong những năm gần đây, số thuế tiêu thụ đặc biệt các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nộp bình quân từ 2.450 - 2.800 tỷ đồng/tháng. Trong kịch bản nhu cầu xe điện tăng lên nhờ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin, số tiền thuế ước tính thu mỗi tháng trong năm 2022 khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, hoạt động bán hàng của DN chịu tác động tiêu cực trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 9/2021 do các quyết sách chống dịch. Các nhà máy sản xuất ôtô của một số hãng cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Thị trường ôtô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió trong năm 2021 vừa qua và cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Các DN được chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9 đến hết 20/11. Tổng số tiền được gia hạn là khoảng 20.000 tỷ đồng trong 10 tháng. Đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho DN, Bộ Tài chính xin Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết 31-12-2022.
Nếu nghị định này được thông qua, chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được áp dụng liên tục trong 3 năm, từ năm 2020 đến nay.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số mặt hàng đặc biệt do các DN sản xuất và tiêu thụ. Loại thuế này do các DN sản xuất đóng nhưng người tiêu dùng sẽ chịu thuế với mức thuế được cộng vào giá bán.
Sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết tháng 5 này, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục nhận được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh cho các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Giá xe có giảm?
Đại diện một số hãng sản xuất ô tô cũng đánh giá việc được giảm 50% lệ phí trước bạ và nếu được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước so với xe nhập ngoại. Để từ đó, DN ô tô nội sẽ có chính sách hỗ trợ thêm cho khách hàng mua xe nhằm kích cầu người tiêu dùng mua ô tô tăng lên.
Các chuyên gia lại cho rằng gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt thực chất là hỗ trợ các Cty ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng cách được lùi thời hạn nộp vào chu kỳ sau chứ không được miễn và vẫn phải nộp đầy đủ thuế. Vì vậy, giãn nộp thuế không thể giúp giảm giá bán xe trong nước. Tuy nhiên, việc giãn thời gian nộp thuế giúp giảm áp lực tài chính cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, giúp họ không phải đi vay, không phải trả lãi. Và khi bớt áp lực dòng tiền, các DN ô tô sẽ có nhiều chính sách kích cầu thị trường hoặc có thể giảm giá ở những mẫu xe cũ.
Việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đã từng được áp dụng trong năm 2020 đi kèm với chính sách hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ cho ô tô trong nước. Mục đích ưu đãi thuế, phí là để tăng sức cạnh tranh cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kéo doanh số bán hàng tăng lên. Nhưng thực tế của năm 2022, các chuyên gia cho rằng sẽ khó có chuyện giá ô tô giảm vì hiện nay ngoài vấn đề thị trường đầu ra thì chi phí đầu vào đang tăng cũng là trở ngại cho DN ô tô sản xuất, lắp rắp trong nước.
Cùng với đó, chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong nước cũng chỉ nên áp dụng thời gian ngắn chứ không nên kéo dài. Bởi nếu kéo dài có thể bị kiện vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, từ ngày 1/3/2022 đến 28/2/2027, ô tô điện chạy bằng pin được sản xuất, lắp ráp trong nước loại chở người từ 9 chỗ trở xuống chỉ chịu mức thuế suất 3%; loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ chịu mức thuế suất 2%; loại chở người 16-24 chỗ chịu mức thuế suất 1%; loại vừa chở người vừa chở hàng chịu mức thuế suất 2%. Mức thuế trên giảm khá nhiều so với hiện tại. Cụ thể, hiện tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ô tô điện loại 9 chỗ trở xuống là 15%, xe 10-16 chỗ là 10% và 16-24 chỗ là 5%. Mục tiêu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là để góp phần bảo vệ môi trường và đón đầu xu thế chung của ngành công nghiệp ô tô điện chạy pin. Đặc biệt, việc triển khai chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư, tạo cơ hội cho các DN tại Việt Nam sản xuất ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước lẫn xuất khẩu.
Được biết, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin khiến nguồn thu ngân sách giảm khoảng 2.000-3.000 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng 170-250 tỉ đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại