Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn, bị xử phạt như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTài xế Đào Mạnh Hùng |
Những vụ điển hình
Thời gian qua, có nhiều trường hợp người lái xe sau khi gây tai nạn giao thông đã rời khỏi hiện trường, để mặc nạn nhân, gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy khỏi hiện trường là vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của sự việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mới đây, ngày 13-10, CA quận Hà Đông, Hà Nội đã phối hợp vận động đối tượng gây ra vụ TNGT trên địa bàn tối 10-10 ra đầu thú. Người này được xác định là Đào Mạnh Hùng, SN 1974, trú tại quận Hà Đông.
Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Đào Mạnh Hùng là người điều khiển ô tô đi với tốc độ khoảng 90km/h, đâm vào hai mẹ con người đi xe máy trên địa bàn quận Hà Đông rồi bỏ trốn. Hai nạn nhân là anh Hoàng Trọng P, SN 1990, trú quận Hoàng Mai và bà Đặng Thị H, SN 1968, mẹ anh P. Sau khi gây tai nạn, Đào Mạnh Hùng lái xe rời khỏi hiện trường, đến một gara ô tô để sửa chữa. Tài xế này khai nhận có sử dụng bia rượu trước khi gây ra vụ tai nạn.
Ngày 15-10, CQCSĐT CA huyện Tiên Yên, Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Xuân An, SN 1977, trú tại thị trấn Tiên Yên về hành vi gây tai nạn giao thông bỏ chạy khỏi hiện trường.
Cụ thể, ngày 9-10, CA huyện Tiên Yên tiếp nhận thông tin về vụ tai nạn xảy ra trên đường QL18, đoạn Km 215+900, thuộc địa phận thôn Đông Ngũ Kinh, xã Đông Ngũ, giữa xe ô tô và người đi bộ trên đường. Theo thông tin ban đầu, chiếc xe ô tô con chưa rõ thông tin va chạm tai nạn, hất văng người đi bộ trên đường lên nắp capo và kính chắn gió, sau đó đã bỏ đi rời khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn.
Sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông xảy ra, CA huyện Tiên Yên phối hợp với Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng có mặt, triển khai công tác khám nghiệm hiện trường, xác minh, truy tìm thông tin phương tiện và người điều khiển liên quan.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 72 giờ thu thập thông tin, CA huyện Tiên Yên đã xác định được phương tiện liên quan đến vụ tai nạn trên mang BKS 30L-8893, đồng thời truy ra lái xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy là Hoàng Xuân An. Tại CQCA, tài xế Hoàng Xuân An đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ gây TNGT rồi bỏ trốn.
Mức phạt tù cao nhất 15 năm
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, bất cứ người nào gây tai nạn rồi có hành vi bỏ trốn có thể sẽ dẫn đến khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2017, điều 260 tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
“Cũng theo điều 260 BLHS, nếu làm chết từ 3 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù mức cao nhất là 15 năm”, luật sư Thái cho hay.
Luật sư Thái còn phân tích, theo quy định và mức phạt nghiêm khắc của pháp luật như trên thì trước hết, người nào gây tai nạn nên ra CQCA gần nhất để trình báo về sự việc và đề nghị can thiệp điều tra, nếu bỏ trốn hành vi này sẽ là tình tiết “tăng nặng” trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp nếu vì một lý do nào đó người vi phạm bỏ chạy, chưa nhận thức được hành vi của mình, nhưng thời gian ngắn quay lại đầu thú thì đây có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 điều 51 BLHS hiện hành.
“Hiện nay có rất nhiều trường hợp lái xe đã bỏ chạy khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn, có thể bỏ trốn là do quá sợ hãi, muốn trốn tránh trách nhiệm pháp luật từ hành vi gây tai nạn của mình. Tuy nhiên, dù là lý do gì, việc bỏ chạy khỏi hiện trường là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của sự việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, luật sư Thái nhấn mạnh.
Hành vi đặc biệt nguy hiểm, cần chế tài xử lý thích đáng Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn nghiêm trọng là hành vi rất đáng lên án, bởi thực tế có những vụ việc nếu người gây TNGT dừng lại cấp cứu hoặc chủ động báo với CQCA hay Y tế thì có thể cứu được nạn nhân. “Ngược lại, họ bỏ mặc nạn nhân, thậm chí kéo nạn nhân khỏi hiện trường nhằm xóa dấu vết”, ông Hùng nói và cho rằng, chính hành vi này khiến nhiều nạn nhân không được cấp cứu kịp thời dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, cần xử lý thật nghiêm bằng chế tài nặng nhất theo quy định pháp luật. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại