F0 sẽ bị mất những quyền lợi gì?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênRất cần sự chung tay của chính người dân, khi chủ động khai báo trên các ứng dụng điện tử và đến nhận kết quả theo đúng hẹn |
Bị xử lý hình sự nếu làm lây lan dịch bệnh
Theo điểm a khoản 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì người có hành vi "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Covid-19 đã được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Vì vậy, nếu F0 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Điểm b, Khoản 1, Điều 11 nghị định 117/2020 NĐ-CP quy định, người nào có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng. Trong trường hợp hành vi vi phạm nêu trên dẫn đến việc lây bệnh cho người khác thì đối tượng liên quan sẽ bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, khi có quá nhiều người bị nhiễm, dẫn đến tâm lý chủ quan với các biện pháp phòng chống dịch cũng như còn tâm lý “phớt lờ” các quy định về các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ. Chính điều này dẫn đến còn nhiều F0 không khai báo y tế, “thản nhiên” đến các địa điểm công cộng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Luật có quy định hành vi "không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch" sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cá nhân; từ 60-80 triệu đồng đối với tổ chức.
Như vậy, ngoài những vi phạm nêu trên dẫn đến việc lây dịch bệnh cho người khác dẫn tới bị xử lý hình sự, thì người vi phạm còn bị xử phạt hành chính với số tiền không hề nhỏ. Ngoài ra, họ còn bị mất đi những quyền lợi chính đáng về chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 của bản thân.
Tin nhắn được gửi tới từng F0 hẹn giờ ra làm các thủ tục liên quan nếu trước đó đã thực hiện khai báo |
Mất quyền lợi chính đáng của mình
Theo quy định tại Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 cần hai giấy tờ:
- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú.
- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Và khi đã có được giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động nộp lại cho Cty để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng bằng 75% mức đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trên thực tế, hiện nay người bệnh Covid-19 chủ yếu tự cách ly và điều trị tại nhà, không đến cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định. Trong khi đó, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động cấp.
Như vậy, trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà cần phải khai báo với Trạm y tế để được cấp giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19/giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật BHXH. Nếu không khai báo, người lao động sẽ không được cấp giấy và mất quyền lợi này.
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Bộ Y tế tính đến đầu tháng 3 vừa qua, Việt Nam có khoảng 920.000 F0 điều trị tại nhà có nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng BHXH.
Nên nhiều người lao động mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra còn do số lượng F0 đến các trạm y tế xin giấy chứng nhận mắc Covid-19 rất lớn, dẫn đến quá tải hệ thống y tế cơ sở, khi cùng lúc họ phải đảm nhiệm nhiều việc trong khi nhận lực quá mỏng. Trong đó phần nhiều cũng đang bị nhiễm Covid khiến cho áp lực công việc càng lớn. Các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu phục vụ cho Nhân dân.
Đặc biệt ở các tỉnh, thành có số ca mắc cao như Hà Nội thì việc F0 điều trị tại nhà có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quá cao dẫn đến tình trạng phải xếp hàng, tốn nhiều thời gian để được cấp giấy chứng nhận. Mặc dù, đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm san sẻ công việc của y tế cơ sở như sự trợ giúp tích cực của các tổ dân phố cũng như lực lượng trẻ, khỏe đầy nhiệt huyết của Đoàn thanh niên nên phần nào cũng giúp cho quá trình giải quyết thủ tục được nhanh hơn.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ vào việc khai báo cũng giúp cho các thủ tục này được giả quyết nhanh gọn, chủ động hơn. Nhưng vẫn rất cần sự chung tay của chính người dân, đặc biệt là các F0 khi chủ động khai báo trên các ứng dụng điện tử và đến nhận kết quả theo đúng hẹn để không xảy ra tình trạng quá tải tại một vài cơ sở y tế như những ngày quá.
Qua đây, có thể thấy rằng, F0 không khai báo với Trạm y tế không chỉ mất khoản tiền trợ cấp theo chế độ ốm đau, mất tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội mà còn có thể bị phạt nếu tự ý đến nơi công cộng. Vì vậy người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, để tránh mất đi nững quyền lợi chính đáng của bản thân hoặc có thể bị xử phạt bởi cứ “vô tư” đến các địa điểm công cộng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại