Thứ tư 13/11/2024 18:59

Dùng xe tự chế tham gia giao thông xử phạt thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, việc đưa đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật là hành vi bị nghiêm cấm tham gia giao thông đường bộ.
Dùng xe tự chế tham gia giao thông xử phạt thế nào?
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Hà Nội tăng cường xử lý xe tự chế trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Khánh Huy)

Hiểm hoạ từ xe tự chế

Xe ba bánh, xe ba gác tự chế từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân Thủ đô. Những chiếc xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh, không có vật dụng che chắn, len lỏi, tung hoành trên khắp các ngả đường không chỉ khiến người tham gia giao thông khiếp sợ mà còn khiến lực lượng chức năng rất vất vả trong kiểm tra, xử lý.

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra bởi xe tự chế. Cụ thể, hồi tháng 1, anh N.T.N (SN 2002, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển xe máy mang BKS 29AA - 044.XX trên đường Trịnh Văn Bô, hướng từ Trần Hữu Dực - Xuân Phương.

Đến gần cột đèn chiếu sáng số T2/51 trên đường Trịnh Văn Bô, xe của anh N va chạm với xe ba bánh không có biển số, kéo theo bó sắt (gồm 180 thanh sắt phi 12 dài gần 12m) do anh Đ.V.T (quê tại Yên Nghĩa, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) điều khiển đi phía trước. Vụ tai nạn khiến anh N tử vong tại chỗ.

Hay một sự việc đau lòng khi cháu bé không may va phải xe xích lô chở tôn trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến cháu không qua khỏi. Trên QL6 đoạn qua cầu Mai Lĩnh huyện Chương Mỹ, Hà Nội, một phụ nữ 66 tuổi, quê ở huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình cũng thiệt mạng khi xe chở tôn bất ngờ đứt dây chun, văng vào cổ bà trong lúc đang ngồi chờ xe buýt bên đường.

Đó chỉ là số ít trong hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng mà nguyên nhân chính do xe tự chế, xe lôi vi phạm luật giao thông, lưu thông kiểu bất chấp an toàn, tính mạng của người dân gây nên.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông Đường bộ 2008 thì việc đưa đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật là hành vi bị nghiêm cấm tham gia giao thông đường bộ.

Tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi sử dụng xe tự chế trái quy định tham gia giao thông như sau: đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Đối với người điều khiển xe ô tô: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đền 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo, rơ moóc và sơ mi rơ moóc được kéo theo).

Ngoài ra, người điều khiển xe vi phạm hành vi trên còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị tịch thu phương tiện (trừ trường hợp xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách có niên hạn sử dụng vượt quá quy định về điều kiện kinh doanh của hình thức kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa quá 20 năm tính từ năm sản xuất, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách); bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe chuyên dụng vi phạm một trong các hành vi: điều khiển xe hoạt động không đúng phạm vi quy định; điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông.

Ngoài ra, người điều khiển xe máy kéo, xe chuyên dùng còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng. Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc chạy xe tự chế gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015 đươc sửa đổi bởi khoản 74 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 thì người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho người khác thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 10 năm tuỳ trường hợp.

Ngoài ra, người gây ra tai nạn còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đồng thời, người gây ra tai nạn còn phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định tại Điều 590 và Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Hà Nội ra quân tuyên truyền không dùng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh Hà Nội ra quân tuyên truyền không dùng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh
Công an Hà Nội tăng cường xử lý hơn 800 xe tự chế Công an Hà Nội tăng cường xử lý hơn 800 xe tự chế
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động