Thứ bảy 20/04/2024 08:16
Lối thoát hiểm và câu hỏi đặt ra từ vụ cháy quán karaoke:

Đừng vì lợi ích trước mắt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cần xem lại yêu cầu và quy chuẩn PCCC đối với cơ sở karaoke cũng như trách nhiệm trong việc cấp phép hoạt động loại hình dịch vụ này.
Có tới 58% cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội không đạt yêu cầu về an toàn PCCC trong quá trình hoạt động
Có tới 58% cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội không đạt yêu cầu về an toàn PCCC trong quá trình hoạt động

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương thêm một lần cảnh báo về rủi ro hỏa hoạn với hậu quả khôn lường ở các cơ sở kinh doanh có đông khách, nhất là ở các quán karaoke với vật liệu cách âm dễ cháy và cách bố trí phòng kín, không có lối thoát hiểm.

Và khi xảy ra sự cố liên quan đến lối thoát hiểm, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do người thiết kế, thi công công trình thiếu trình độ. Nói đến quy chuẩn hay yêu cầu về thiết kế thi công, KTS Trần Tam Linh khẳng định, bất kỳ trường lớp nào đào tạo ra KTS đều dạy về tiêu chuẩn thiết kế lối thoát hiểm.

Tùy quy mô công trình và sức chứa người, người KTS sẽ tính toán các phương án thoát hiểm khác nhau. Ví dụ để thoát hiểm và đảm bảo lưu lượng lưu thông trong sân vận động thì kích cỡ phần thang phải rộng hơn và được bố trí nhiều hơn. Khi có bất cứ sự cố nào xảy ra, thời gian cho việc thoát nạn phải mất ít nhất. Đặc biệt, cầu thang bộ đi lên xuống bên trong quán karaoke không đạt chức năng thoát hiểm khi có cháy, mà phải là buồng thang thoát hiểm có ít nhất một cửa ngăn cháy, ngăn khói. Buồng thang thoát hiểm tốt nhất phải có 2 lớp cửa ngăn cháy, tường ngăn cháy và khoảng đệm có áp suất không khí dương (nơi thông gió thoát khói độc để dẫn không khí sạch hơn vào). Về vấn đề này, một số các công trình quán karaoke ở nước ta nhiều năm nay đều không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cứu hộ, cứu nạn.

Thực tế, năm 2020, Bộ Công an ban hành Thông tư 147 quy định công tác kiểm tra PCCC và CNCH, trong đó đã rà soát những điểm còn lỏng lẻo, bổ sung nhiều điều kiện chặt chẽ, chi tiết đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, chủ đầu tư cơ sở vẫn có thể lách luật hoặc thiếu sót.

“Theo tôi, cần nghiêm cấm thiết kế quán karaoke dạng nhà ống bịt kín và không cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang cơ sở karaoke. Đặc biệt, các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC của chúng ta đang áp dụng cho các công trình kinh doanh đông người như karaoke trên cả nước, hiện đang có nhiều vấn đề cần phải được xem xét lại, có thể cần phải tham khảo thêm các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC của nước ngoài!”, KTS Trần Tam Linh nêu quan điểm.

Cũng theo KTS Trần Tam Linh, ngoài vấn đề kĩ thuật điện gây cháy nổ, khách đến các quán karaoke không chỉ hát, họ còn hút thuốc lá, tổ chức sinh nhật có thổi nến… Đó cũng là một số nguy cơ tiềm ẩn gây ra hỏa hoạn trong một không gian được thiết kế sai quy chuẩn. Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, khi quán karaoke được mở cửa lại, nhu cầu đi hát của người dân tăng lên, thậm chí nhiều cơ sở hoạt động tăng công suất so với trước đây. Khi đó, công suất hoạt động của các thiết bị điện cũng lớn hơn, dễ bị chập cháy. Nguyên nhân sinh lửa này nếu đặt cùng vật liệu dễ bắt lửa thì khó tránh khỏi hỏa hoạn.

“Tất nhiên không cơ sở kinh doanh nào coi nhẹ việc xảy ra hỏa hoạn, vì sau mỗi vụ cháy gây thiệt hại kinh khủng về người và tài sản, còn có thể vướng vào lao lý. Tôi cho rằng không hẳn do họ coi thường mà do họ thiếu kiến thức và ý thức về PCCC”, TS Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ.

Chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư ít nhất phải nắm được đặc điểm công trình của mình, có hiểu biết nhất định về kiến trúc, nguồn điện xung quanh. Người làm công trình phải có trình độ chuyên môn, phải tính toán hợp lý, chứ không thể cứ thế kéo dây điện từ ngoài vào như bao nhà dân khác.

Bên cạnh đó, quán karaoke với đặc thù nhiều thiết bị điện như thế thì cấu trúc, công năng của căn nhà cũng phải theo quy định rõ ràng. Chuyên gia cho rằng, phải quy định về cửa phòng karaoke không được khóa bất cứ từ chiều nào; đồng thời phải có hướng dẫn thoát hiểm cho khách đến.

Nói về tiêu chuẩn quy phạm thiết kế kiến trúc PCCC, có rất nhiều. Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Nguyên chỉ nói tới những yêu cầu sơ đẳng nhất trong thiết kế một quán karaoke đảm bảo việc PCCC về mặt kiến trúc.

- Thứ nhất, quán phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm ra không gian an toàn.

- Thứ 2, trong 2 lối thoát hiểm đó, phải có ít nhất 1 lối được thiết kế kín (ở karaoke An Phú, cầu thang được thiết kế mở), tường, cửa phải chịu lửa tối thiểu được 2 giờ, khi có vụ cháy xảy ra, thông qua cầu thang thoát hiểm, nạn nhân có thể di chuyển được xuống phía dưới. Bên trong cầu thang này, phải có máy phát điện dự phòng, khi cháy xảy ra thì đảm bảo đèn vẫn luôn sáng và có hút gió thông thoáng (áp lực dương). Áp lực dương này có thể hiểu đơn giản là khi cửa thoát hiểm được mở, khói vẫn không thể tràn vào bên trong vì luồng áp lực dương đẩy ra. Khi đảm bảo được yêu cầu này, dù trong trường hợp không thể thoát ra bên ngoài qua tầng trệt hay tầng thượng thì vẫn có thể ở bên trong an toàn 2 tiếng đồng hồ chờ lực lượng chức năng đến giải cứu.

- Thứ 3, quán cần phải có thiết bị báo cháy, báo khói, thiết bị chữa cháy tự động. Tôi nghĩ rằng nên bổ sung quy định 100% các công trình karaoke nên có thiết bị chữa cháy tự động sprinkler, hễ cháy là nước sẽ tự động phun nước để dập lửa. Đảm bảo được những yêu cầu này, sẽ hạn chế được nguy cơ cháy nổ cũng như giảm thiệt hại về người, của khi hỏa hoạn xảy ra. “Phía CA đã quy định và khuyến cáo, các KTS đưa ra thiết kế lối thoát phù hợp, nhưng vấn đề chủ đầu tư có thực hiện không lại là chuyện khác. Nếu cứ làm theo kiểu tiết kiệm mặt bằng, tiết kiệm không gian để thêm chỗ cho dịch vụ, sẽ càng tạo ra khả năng xảy ra sự cố”, KTS Nguyễn Hữu Nguyên bày tỏ. Thiết nghĩ. nếu xác định cơ sở karaoke là loại hình công trình nguy hiểm thì các cơ quan chức năng cũng như xã hội cần có cách tiếp cận, ứng xử khác. Chúng ta không cấm đoán, nhưng phải đặt yêu cầu phòng, chống cháy nổ với loại hình dịch vụ này lên cao nhất, chặt chẽ nhất, thậm chí yêu cầu cao hơn đối với một cây xăng.

Hà Nội đã kiểm tra khoảng 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke, kết quả kiểm tra bước đầu của CA TP đến ngày 13/9 cho thấy, có tới 58% cơ sở kinh doanh karaoke không đạt yêu cầu về an toàn PCCC trong quá trình hoạt động. Các cơ sơ vi phạm nằm rải rác ở các quận huyện trên địa bàn TP.
Cư dân bức xúc vì lối thoát hiểm của chung cư bị bít
Lối thoát hiểm là điều kiện quan trọng
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động