Thứ sáu 03/05/2024 17:41
Từ vụ hỏa hoạn ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội

Lối thoát hiểm là điều kiện quan trọng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thiết kế “kín cổng cao tường” và phần “chuồng cọp cơi nới” biến những ngôi nhà không lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn.

Mối nguy tiềm ẩn

Vụ hỏa hoạn làm 4 người chết rạng sáng ngày 4-4 ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội một lần nữa cho thấy trong các vụ cháy công trình xây dựng (chung cư, nhà ở), lối thoát hiểm là điều kiện quan trọng, đặc biệt là đối với các công trình nhà ở dạng ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Tuy vậy, sau rất nhiều sự cố hỏa hoạn gây thiệt hại về người và của đã xảy ra, mối nguy hiểm vẫn tiềm ẩn trong mỗi ngôi nhà ống do chưa được quan tâm đúng mức.

Nhìn nhận từ thực tế hiện nay tại nhiều chung cư cũ đến nhà ở riêng lẻ nhiều gia đình cơi nới, xây dựng chuồng cọp như vậy coi như tự nhốt mình cùng sự nguy hiểm trong lồng sắt bít kín. Đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an) cho biết nơi xảy ra hỏa hoạn là nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, tích trữ nhiều hàng hóa và chỉ có một lối thoát nạn. Trước đây, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh không thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý và giám sát các cơ sở dạng này thuộc về UBND cấp phường, xã.

Hiện trường vụ hỏa hoạn trên phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội
Hiện trường vụ hỏa hoạn trên phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội

Thực tế tại các khu vực dân cư ở các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, cho thấy hầu hết những ngôi nhà ống đều không có không gian để làm lối thoát hiểm. Nhất là các nhà ống nằm trong ngõ nhỏ với mật độ dân cư lớn, nhiều công trình xuống cấp, dây diện chằng chịt.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, pháp luật hiện nay quy định chỉ có công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m3 mới buộc phải có thiết kế PCCC. Chưa kể thực tế đất chật, người đông nên hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư cũng chỉ chú trọng đến tận dụng diện tích cho công năng sử dụng, chưa tính toán đến các yêu cầu kỹ thuật khác, trong đó có vấn đề phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Về nguyên tắc kiến trúc, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng với công trình nhà ở riêng lẻ mặt đất cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố. Ở các đô thị cũ là ngõ nhỏ, diện tích nhỏ, nhà đất liền kề san sát, phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thì người dân sinh sống trong điều kiện như vậy càng cần quan tâm đến thoát hiểm.

Nắm bắt các kỹ năng để đối phó

Từ những vụ cháy nổ lớn gây thiệt hại đáng tiếc về người và của cho thấy những nghịch lý khiến nguy cơ mất an toàn PCCC luôn ở mức báo động. Nghịch lý là người dân phòng trộm mà quên phòng cháy, khi lối thoát an toàn trong trường hợp xảy ra cháy nổ tại nhà dân bị bịt kín bằng “chuồng cọp” để chống trộm. Vì mối lo trộm cắp mà mọi người quên đi rằng mỗi gia đình cần ít nhất 1 lối thoát hiểm để phòng cháy nổ không may xảy ra.

Ngoài việc người dân còn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ; quy hoạch và cơ sở hạ tầng khu dân cư còn tồn tại nhiều bất cập, thì cũng cần phải nói tới nhiều vi phạm về PCCC, chưa được các cơ quan quan tâm giải quyết dứt điểm và còn nhiều trường hợp không chấp hành nghiêm những quy định về PCCC mà chưa bị xử lý.

Nghịch lý là người dân có thể chi nhiều tiền để mua sắm trang thiết bị hiện đại trong gia đình nhưng không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy... Suy nghĩ chủ quan với việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy “việc đó để sau” khiến khi xảy ra sự cố thì công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Và những nghịch lý này tạo nên những ngôi nhà được lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp. Khi xảy ra hỏa hoạn, căn nhà như chiếc lồng kiên cố nhốt các nạn nhân trong đó. Lực lượng cứu hỏa và người dân dù đã rất cố gắng tìm cách giải cứu, nhưng đành bất lực.

Để hóa giải những nghịch lý vừa nêu, để những nỗi đau do hỏa hoạn gây ra được kìm chế thì công tác tuyên truyền vận động người dân cần phải được đưa lên hàng đầu; đồng thời với hướng dẫn, xử lý những vi phạm về công tác PCCC. Một khi từng người dân có ý thức rõ về hiểm họa cháy, nổ sẽ chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, tránh.

Bên cạnh đó, mỗi nhà, mỗi gia đình phải chủ động trong việc tự hình dung, xây dựng phương án xử lý sự cố cháy nổ trong nhà mình. Ví dụ nếu đám cháy xảy ra ở tầng 1, các thành viên trong gia đình sẽ chọn thoát nạn ra lối nào... Hoặc khi cháy ở tầng 3 thì di chuyển xuống tầng 1, cách xử lý khi cháy trong đêm...

Những kế hoạch, phương án này phải phổ biến cho từng thành viên trong gia đình và được ghi nhớ để khi tình huống cháy xảy ra có thể chủ động thoát nạn.

Thực tế đã cho thấy, sự lơ là, chủ quan của người dân đối với “giặc lửa” là nghịch lý và là nguyên nhân chính gây nhiều vụ cháy lớn. Vì thế, những hậu quả do cháy nổ gây ra phải luôn được cảnh báo bởi sự chủ quan hay thiếu hiểu biết sẽ tiếp tục phải trả giá bằng mạng sống của nhiều người.

Xem xét trách nhiệm người liên quan

Liên quan đến vụ hỏa hoạn trên phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, nhiều người đặt câu hỏi về việc chính quyền địa phương có phải chịu trách nhiệm khi để người dân xây “chuồng cọp” không đảm bảo an toàn PCCC và dẫn tới sự việc đau lòng trên?

Luật sư Nguyễn Duy Hoàng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết vụ hỏa hoạn để lại thiệt hại lớn, khiến nhiều người thương cảm. Lực lượng chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm pháp lý của những người liên quan vụ cháy nhà khiến 4 người tử vong. Nếu xác định ngôi nhà được xây dựng, cải tạo, sửa chữa trái phép thì người xây dựng, cải tạo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 15 Nghị định 139/2017 của Chính phủ về hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng.

Luật sư Hoàng nhận định, chủ nhà sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, nạn nhân đã mất nên việc truy cứu trách nhiệm sẽ không được đặt ra. Tiếp đó, CQĐT sẽ làm rõ việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa tầng tum có được chính quyền địa phương phê duyệt không.

“Nếu xác định có cán bộ cấp sai phép cho việc xây dựng, cơi nới, sửa chữa, họ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật vì sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý”, luật sư Hoàng nhấn mạnh.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động