Thứ bảy 18/05/2024 12:26

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2021: Những thay đổi có lợi cho thí sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ GD&ĐT vừa hoàn thành dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH); tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) năm 2021. Bản dự thảo này sẽ được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến sau đó mới chính thức ban hành. Những thay đổi mang tính chất kỹ thuật của kỳ thi năm nay chủ yếu để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Năm 2021, quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ dự kiến cơ bản vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển sinh, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời hạn chế tối thiểu những sai sót không đáng có.

Theo đó, để xét tuyển đợt 1, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH được chọn 1 trong 2 phương thức là đăng ký bằng phiếu đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định của sở GD&ĐT. Nếu như những năm trước, sau khi có kết quả thi THPT thí sinh chỉ có một lần điều chỉnh nguyện vọng thì năm nay, dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.

Bộ GD&ĐT cho biết, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là phương án đã có trong lộ trình đổi mới thi tuyển sinh. Mục tiêu của điều chỉnh này là tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định. Bộ GD&ĐT cũng cho biết: “Việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần cũng không làm ảnh hưởng đến việc lọc ảo của hệ thống. Lọc ảo và điều chỉnh nguyện vọng là 2 qui trình ở các giai đoạn khác nhau”.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt 1, các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trên thì không được xét những nguyện vọng sau nữa.

Bộ GD&ĐT sẽ quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu xét tuyển chung quốc gia và giao cho các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng, duy trì và vận hành Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh.

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2021: Những thay đổi có lợi cho thí sinh
Năm nay Bộ GD&ĐT sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển (Ảnh: Khánh Huy)

Một điểm mới nữa theo quy chế dự thảo năm nay là ở khoản 2 của Điều 15 được sửa đổi, bổ sung là điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng không thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo. Trường hợp ưu tiên xét theo đề nghị của UBND tỉnh thì UBND cấp tỉnh đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, “học ba năm cấp THPT tại địa phương”; cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 (một) điểm so với điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và “không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định của chương trình/ngành tuyển sinh”.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội thì: “Những năm gần đây, Quy chế tuyển sinh ĐH luôn được cập nhật, bổ sung. Đây là yếu tố tích cực, nhằm từng bước hoàn thiện hơn về công tác tuyển sinh. Năm nay, dự thảo quy chế tuyển sinh tiếp tục đi theo hướng này”.

PGS.TS Bùi Đức Triệu nhận định rằng những điều chỉnh của dự thảo quy chế thi năm nay chỉ đem đến những thuận lợi nhất cho thí sinh, từ việc duy trì hai hình thức đăng ký đến cho phép thay đổi nguyện vọng 3 lần (khác năm 2020 thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần).

Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục ĐH đã xây dựng phương án tuyển sinh với chủ trương giữ ổn định tối đa trong giai đoạn 2021-2025. Nhiều trường đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2021 và công bố thời điểm nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp thu ý kiến phản biện của chuyên gia, xã hội và đưa ra quy định cuối cùng về phương án tuyển sinh 2021 sau khi cân nhắc xem xét kỹ lưỡng các ý kiến góp ý. Mục tiêu là tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định của mình. Chính sách tuyển sinh cũng sẽ bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của cả nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh. Việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần không ảnh hưởng đến quá trình lọc ảo bởi đây là 2 quy trình khác nhau.

Tuyển sinh năm 2021: Thí sinh được chọn một trong hai cách đăng ký nguyện vọng Tuyển sinh năm 2021: Thí sinh được chọn một trong hai cách đăng ký nguyện vọng

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; ...

Tuyển sinh năm 2021: Thi đánh giá năng lực “hot” trở lại, các trường có tuyển sinh theo nhóm? Tuyển sinh năm 2021: Thi đánh giá năng lực “hot” trở lại, các trường có tuyển sinh theo nhóm?

Hàng loạt các trường ĐH đã công bố kế hoạch, phương án tuyển sinh năm 2021. Ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường ...

Tuyển sinh năm 2021: Vẫn ưu tiên phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT Tuyển sinh năm 2021: Vẫn ưu tiên phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Các trường ĐH trên cả nước bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2021. Phương thức xét bằng điểm thi THPT vẫn được ...

Tuyển sinh năm 2021: Nhiều trường ĐH chủ động mở thêm nhóm ngành mới Tuyển sinh năm 2021: Nhiều trường ĐH chủ động mở thêm nhóm ngành mới

Theo đề án tuyển sinh năm 2021 của các trường ĐH mới công bố, có nhiều ngành mới được mở, trong đó, có cả nhóm ...

T.Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động