Dự định ngày về của phạm nhân được đặc xá
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSẽ tìm việc làm từ nghề đã học được trong trại cải tạo
“Được về nhà dịp đặc xá đợt này, tôi sẽ đem nghề chăn nuôi đã học được trong trại cải tạo để lao động, coi đó như một nghề để sinh sống, lập nghiệp. Tôi tin rằng sẽ từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển”, phạm nhân Hà Văn Vương, SN 1985, ở Sông Công, Thái Nguyên chia sẻ dự định của mình sau ngày ra trại.
Theo bản án, từ tháng 11-2014, Hà Văn Vương đã 2 lần lên khu vực biên giới mua tổng cộng 95 triệu VND giả loại mệnh giá 200 ngàn đồng sau đó mang về Phú Thọ bán lại cho cho người có nhu cầu. Theo đó, Vương đã 6 lần bán số tiền kia cho Vũ Đức Hiếu, Ngô Văn Tưởng, Trần Quốc Bình và Phạm Văn Ánh, thu được 34 triệu VND (tiền thật).
Ngày 7-9-2015, khi 4 thanh niên kể trên dùng tiền giả đi mua hàng thì bị lực lượng công an huyện Đồng Sơn (Phú Thọ) bắt quả tang. Từ lời khai của những người này, Vương bị bắt và bị kết án 8 năm tù về tội lưu hành tiền giả. Tháng 9-2016, Vương về trại giam Phú Sơn cải tạo ở đội chăn nuôi.
Vương bảo, ngày ở nhà không có công việc ổn định, ai thuê gì làm đó nên thu nhập không ổn định. Gia đình làm nông nghiệp nhưng Vương chưa bao giờ đụng đến những việc liên quan đến chăn nuôi như cám bã, lợn gà.. Thành ra khi vào trại cải tạo, ngày được đưa về đội chăn nuôi lao động, Vương đã rất lo lắng.
“Tôi đã mấy lần đề đạt với cán bộ xin được đổi nơi lao động nhưng cán bộ phụ trách chỉ cười bảo đừng có nản, vài hôm rồi sẽ quen”, Vương kể.
Ở đội chăn nuôi, công việc của Vương là ngày ngày lấy rau về cho lợn ăn và vệ sinh chuồng trại. Được cán bộ quản giáo chỉ dạy tỉ mỉ từng công đoạn từ việc nấu cám, cho lợn ăn đến cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, Vương dần thích nghi và sau này “cảm giác công việc này rất phù hợp với mình” như lời anh ta tâm sự.
“Sau này về nhà, tôi sẽ xin gia đình đầu tư tiền để mở trang trại chăn nuôi. Với những kiến thức đã học và thực hành ở trại, tôi tin là mình sẽ thành công”, phạm nhân Vương tự tin chia sẻ.
Còn phạm nhân Võ Công Đạo, SN 1993, trú tại Phù Mỹ, Bình Định án 5 năm về tội Cố ý gây thương tích lại cảm thấy vô cùng biết ơn người cán bộ đã dìu dắt mình trong những năm tháng cải tạo. Chỉ vì không giữ được bình tĩnh khi thấy bạn mình bị đánh nên Đạo đã tham gia vào một vụ ẩu đả để rồi phải vào trại cải tạo vì gây thương tích nặng cho đối phương.
Theo lời Đạo thì trước khi đi thi hành án, anh ta chỉ là lao động phổ thông. Vào trại cải tạo thi hành án ở đội điện, Đạo đã vô cùng bỡ ngỡ và sự thiếu tự tin vào bản thân khi lao động đã khiến phạm nhân này nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.
Nhớ lại ngày đó, Đạo viết: “Trong quá trình cải tạo lao động ở đội 24, phân trại số 1 trại giam Kim Sơn, tôi luôn được cán bộ giáo dục Hồ Chí Đức gặp gỡ, động viên và giáo dục tôi yên tâm tư tưởng để lao động và cải tạo. Cán bộ Trần Văn Thân là người trực tiếp đôn đốc, giúp đỡ tôi trong công việc cải tạo. chỉ dạy tôi cách làm, giúp tôi có được tay nghề tốt hơn. Sau khi đặc xá trở về, tôi dự định sẽ dùng nghề điện đã học được ở trong trại cải tạo làm việc để tự nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình”.
Phạm nhân Vũ Anh Tuấn hứa sau này trở về sẽ nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các qui định của khu dân cư nơi mình sinh sống |
Cứ sống có trách nhiệm với bản thân rồi tính tiếp
Mừng và hồi hộp là điều dễ nhận thấy ở phạm nhân Vũ Anh Tuấn, SN 1962, trú tại TP Thái Nguyên khi trò chuyện với chúng tôi song người đàn ông này vẫn không giấu giếm sự hối hận vì việc làm lầm lỗi đã qua của mình. Là lãnh đạo một phường nhưng Tuấn đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng nguồn tiền thu được vào những khoản chi không hợp lệ, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 200 triệu đồng.
Bị kết án 30 tháng tù, ngày 24-10-2019, Vũ Anh Tuấn về trại giam Phú Sơn 4 thi hành bản án. Tuấn bảo luôn cảm thấy hối hận mỗi khi nhắc lại sai phạm của mình trước đây và hứa sau này trở về sẽ nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các qui định, qui ước của khu dân cư nơi mình sinh sống.
Hỏi có bất ngờ không khi được đưa vào danh sách xét đề nghị đặc xá, Tuấn cho biết trước khi vào trại giam đã xác định tư tưởng rõ ràng nên ngay từ thời gian đầu đã luôn chấp hành mọi nội qui, qui định của trại, chăm chỉ cải tạo và hăng hái tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của trại giam. Không những thế, Tuấn còn tích cực, tận tình giúp đỡ các phạm nhân trong đội cải tạo lao động cùng tiến bộ.
Tuấn bảo đây là thành quả của những tháng ngày đã nỗ lực cải tạo nhưng được về theo diện đặc xá cho thấy sự khoan hồng của pháp luật, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước với người biết hối cải. Anh ta biết ơn vì điều đó nên sẽ cố gắng xây dựng cho bản thân một cuộc sống mới và có trách nhiệm với gia đình.
Còn Nguyễn Duy Trịnh, SN 1994 ở An Hợp, Tuy An, Phú Yên, phạm nhân ra tù trong diện đặc xá lần này lại không khỏi trăn trở về cuộc sống của mình sau khi rời khỏi trại giam. Đi dự tiệc rồi tham gia vào một vụ ẩu đả, Trịnh bị kết án 3 năm 3 tháng về tội cố ý gây thương tích.
Vào trại giam Kim Sơn thi hành án từ đầu năm 2020, Trịnh rất hối hận nên rất nỗ lực học tập, lao động. Trịnh cho biết vì đã xác định ngay từ lúc bước chân vào trại giam nên luôn cố gắng thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường mới, công việc mới làm sao hoàn thành tốt công việc được giao.
Lần đầu tiên được giảm 3 tháng tù, Trịnh coi đó là thành quả của một quá trình hối cải và tiếp tục phấn đấu. Khi biết mình có tên trong danh sách xét đề nghị giảm án, Trịnh rất mừng nhưng không khỏi trăn trở.
Anh bộc bạch: “Tôi vui vì mình được ra tù sớm nhưng lại không khỏi lo lắng vì đất nước đang trong đại dịch covid-19, không biết sau khi về với gia đình, xã hội những người có tiền án như tôi sẽ phải làm gì để vượt qua khó khăn, thách thức này”. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều phạm nhân khác được ra tù theo diện đặc xá lần này, Trịnh bảo sẽ cố gắng để tìm cho mình một việc làm chính đáng, có thu nhập và sẽ không bao giờ quên những năm tháng sống trong trại giam vì ở đó có những cán bộ đã giúp anh trưởng thành.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại