Thứ hai 25/11/2024 14:18

Đơn không rõ họ tên nhưng có chứng cứ cụ thể vẫn được tiếp nhận

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi nhưng nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể… vẫn đủ điều kiện xử lý, tiếp nhận. Đây là quy định mới nhất trong Thông tư số 05/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Nội dung tố cáo của công dân chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quản lý, bồi thường về đất đai… Ảnh: G.B.
Nội dung tố cáo của công dân chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quản lý, bồi thường về đất đai… Ảnh: G.B.

Tiếp nhận đơn do cơ quan báo chí chuyển đến

Thông tư số 05/2021/TT-TTCP Thanh tra Chính phủ quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Đối tượng áp dụng của Thông tư là cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, DN Nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc xử lý đơn và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nội dung Thông tư cho thấy, việc xử lý đơn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đơn phải được gửi, chuyển đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Đơn được tiếp nhận để phân loại và xử lý từ các nguồn: Đơn được gửi qua dịch vụ bưu chính; Đơn được gửi đến Trụ sở tiếp công dân, Ban tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân, bộ phận tiếp nhận đơn hoặc qua hộp thư góp ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Đơn do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật; Đơn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan Đảng chuyển đến.

Việc phân loại đơn căn cứ vào nội dung trình bày trong đơn, mục đích, yêu cầu của người viết đơn, không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn.

Đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đáp ứng các yêu cầu sau đây: Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng; Đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điể̉m chỉ của người viết đơn; Đơn khiếu nại ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại.

Đơn tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Đơn kiến nghị, phản ánh ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh.

Đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi đơn nhưng có nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo.

Đơn không đủ điều kiện xử lý bao gồm: Đơn không đáp ứng các yêu cầu tại điểm a khoản 2 Điều này; Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết; Đơn đã được hướng dẫn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này; Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đơn có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị; Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

Người đứng đầu mới đủ thẩm quyền ra thông báo từ chối tiếp công dân

Cùng với Thông tư số 05/2021/TT-TTCP, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy đinh quy trình tiếp công dân.

Thông tư quy định rõ các nội dung: xác định nhân thân của người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh; xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền, luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý…

Một trong các nội dung đáng chú ý của Thông tư này cho thấy, người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân và phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân.

Trường hợp từ chối tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra thông báo từ chối tiếp công dân. Trước đây Thông tư cũ chỉ quy định người tiếp công dân ra thông báo từ chối tiếp công dân.

Theo Thanh tra TP Hà Nội, do dịch bệnh Covid-19, các cơ quan hành chính của TP đã tạm dừng hoạt động tiếp công dân từ ngày 26-7-2021 nên tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng giảm so với tháng trước.

Thanh tra TP và các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đang triển khai thực hiện 104 cuộc thanh tra hành chính (kế hoạch 48; đột xuất 56); trong đó kỳ trước chuyển sang 93 cuộc, thành lập mới trong kỳ là 11 cuộc; đã kết luận 16 cuộc thanh tra. Thực hiện 199 cuộc thanh tra chuyên ngành (số cuộc triển khai từ kỳ trước chuyển sang 26; số cuộc triển khai trong kỳ 173; số cuộc thường xuyên 126; theo kế hoạch 36, đột xuất 37); đã kết luận 128 cuộc. Qua thanh tra xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 tổ chức và 138 cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 846 triệu đồng.

Các cơ quan hành chính của TP tiếp 755 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và 04 đoàn đông người; tiếp nhận và xử lý 2.448 đơn; gồm có khiếu nại 446 đơn; tố cáo 254 đơn; kiến nghị, phản ánh, nặc danh 1.748 đơn. Tổng số vụ khiếu nại, tố cáo 259 (trong đó khiếu nại 225, tố cáo 134); đã xem xét, giải quyết: 189 vụ (khiếu nại 109, tố cáo 80). Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai; chế độ bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; quản lý trật tự xây dựng...

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã tiếp nhận 5.143 đơn, thư gửi từ các nguồn gửi đến Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy (đơn chuyển từ năm 2020 sang là 1.411 đơn); đã tham mưu, xử lý chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền và xử lý khác 5.090 đơn, đang tiếp tục xử lý 13 đơn; tích cực tham mưu Thành ủy chỉ đạo các đơn vị, quận, huyện, thị ủy chỉ đạo giải quyết 10 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, 43 vụ việc khiếu kiện kéo dài và 96 vụ việc thuộc danh sách theo dõi của quận, huyện, thị ủy…
Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động