Kỳ 2: Bỏ giấc mơ an cư giữa “cơn bão” giá nhà
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDãy chung cư cũ trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội Ảnh: Duy Linh |
Bỏ giấc mơ an cư vì giá nhà tăng cao
Bởi theo anh Trần Văn Thanh (Long Biên, Hà Nội), khu chung cư đó đã đi vào hoạt động 6 - 7 năm nay. Mặc dù vị trí thoáng đãng, mật độ xây dựng không cao, nhưng nếu nói thuận tiện cho việc đi lại hoặc đầy đủ tiện ích thì không. Hơn nữa, theo anh biết, trước đây, giá gốc của chung cư này chưa đến 15 triệu/m2.
“Không được lợi về tiện ích, không thuận lợi về giao thông, chung cư thuộc phân khúc bình dân mà giá lên đến 48 triệu đồng/m2 thì quả thật là ngáo giá. Tôi không rõ giá chung cư bây giờ căn cứ vào đâu hoặc họ nghe đồn thổi rồi tự định giá theo ý của mình, chứ giá như thế có lẽ chỉ rao bán cho vui” – anh Trần Văn Thanh nhận định.
Không chỉ mình anh Trần Văn Thanh, cũng có rất nhiều bình luận về mức giá được coi là “ngáo” đó của chủ căn hộ. Cùng với đó là sự ngán ngẩm khi ước mơ an cư đối với những người trẻ, thậm chí không còn trẻ hiện nay đang quá xa vời.
Anh Nguyễn Hữu Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi tìm mỏi mắt căn hộ hoặc nhà đất có giá phù hợp đã tạm thời dời lại kế hoạch mua nhà trong thời gian này. Anh cho biết, giá nhà hiện đang quá cao so với tài chính sẵn có và thu nhập của anh. “Chưa bao giờ tôi thấy chuyện mua nhà nó khó khăn đến thế. Hai vợ chồng gom góp và vay mượn được tổng 2,5 tỷ đồng, nhưng cuối cùng vẫn phải ngậm ngùi tạm gác lại giấc mơ mua nhà ở Hà Nội” – anh Nguyễn Hữu Toàn nói.
Một căn chung cư phân khúc bình dân ở quận Long Biên được rao giá lên tới 4 tỷ đồng Ảnh: Duy Linh |
Tương tự như anh Nguyễn Hữu Toàn, vợ chồng anh Trần Thanh Tâm (quê Nam Định) với tổng thu nhập hàng tháng xấp xỉ 40 triệu đồng, nhưng vạ vật thuê trọ đến gần chục năm nay, anh chị vẫn chưa có được căn nhà của riêng mình. “Trước đây, mỗi tháng chúng tôi để dành được khoảng 20 triệu đồng. Nhưng từ khi có thêm 1 rồi 2 thành viên trong gia đình thì đến nay, số tiền để dành hàng tháng chẳng còn lại bao nhiêu, thậm chí đôi lúc còn phải chi tiêu cả tiền để dành nếu lỡ con cái ốm đau hay có việc phát sinh” - anh Trần Thanh Tâm cho biết.
Nhận định về vấn đề này, theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội. Do thiếu cung trong lúc nhu cầu rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.
Biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6 - 7 lần thu nhập).
Bình quân giá nhà gấp 20 - 25 lần thu nhập của người dân
Trước tình trạng tăng phi mã của giá chung cư, giá nhà, trên mạng xã hội đã xuất hiện một group với tên gọi “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá”. Group này từ khi được thành lập đã nhanh chóng thu hút người dùng mạng xã hội, số người tham gia nhanh chóng lên đến hơn 100.000 thành viên và vẫn tiếp tục tăng.
"Sau một thời gian vô cùng mệt mỏi vì tìm mua nhà ở Hà Nội đầu năm 2024, tôi đã quyết định dừng lại và không quan tâm nữa. Tôi lập group để anh em "cùng quan điểm" động viên nhau, chia sẻ thông tin, trải nghiệm, kinh nghiệm nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình tìm mua nhà Hà Nội và chung tay đưa bất động sản Hà Nội về giá trị thực” - đó là một vài dòng chia sẻ chân tình của người thành lập group "Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá".
Group Facebook được lập để kêu gọi dừng mua nhà Hà Nội Ảnh: Duy Linh |
Với mục đích "đưa bất động sản Hà Nội về giá trị thực" - chỉ sau một thời gian ngắn, group này đã đạt hơn 100.000 người tham gia. Thành viên đa dạng độ tuổi, ngành nghề, nhưng có lẽ đông đảo nhất là những người đã phải "ngậm đắng nuốt cay" khi hết lần này đến lần khác, chưa thể mua được nhà ở Hà Nội vì giá tăng cao phi mã.
Tuy nhiên, động thái của người tiêu dùng như thế có khiến giá nhà hạ nhiệt không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Về câu chuyện nghịch lý thu nhập bình quân và giá nhà tại Việt Nam, từ tháng 8/2016, trong một cuộc hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã từng nói, nếu ở các nước, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân thì ở Việt Nam con số lên tới 20 - 25 lần. “Đó là nghịch lý và cũng là bi kịch” – ông Lê Đăng Doanh từng khẳng định.
Cũng tại thời điểm đó, ông Lê Đăng Doanh đã đưa ra những cảnh báo, ông cho rằng, sau 5 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng số người dân không có nhà tăng lên chóng mặt, trong khi quỹ đất, thu nhập có giới hạn…
Vậy là đúng như cảnh báo của TS. Lê Đăng Doanh. Cho đến gần chục năm sau đó, con số 20 - 25 lần vẫn không được cải thiện. Điệp khúc “giá nhà tăng nhanh”, “thu nhập không theo kịp giá nhà” trở thành quen thuộc ở mọi thời điểm của thị trường.
Cụ thể, năm 2023, kênh Batdongsan.com.vn ước tính thu nhập bình quân của người lao động Hà Nội 2023 là 135 triệu đồng một năm. Trong khi giá rao bán trung bình nhà riêng trên trang này là 6,3 tỷ đồng một căn, chung cư là 3,1 tỷ đồng. Như vậy, nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà, người mua phải “cày cuốc” 169 năm để sở hữu một căn nhà mặt đất và 23 năm để mua được một căn hộ chung cư.
Theo kênh này, Hà Nội đứng hàng đầu Đông Nam Á về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động. Từ năm 2018 đến 2021, tỷ lệ này không ngừng tăng, vượt cả Singapore. Giá căn hộ sơ cấp Singapore năm 2020 tương đương 15,4 năm thu nhập bình quân hộ gia đình, theo dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista. Còn tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan, chỉ số này có dấu hiệu giảm…
(Còn nữa)
Kỳ 1: Chung cư giá rẻ đã không còn rẻ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại