Thứ sáu 26/04/2024 21:42

Đổi mới giáo dục theo hướng toàn diện, chú trọng giáo dục nhân cách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 13-10, tại phiên làm việc thứ 2 Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng cần tiếp tục đổi mới nội dung GD-ĐT theo hướng toàn diện bao gồm giáo dục phẩm chất, thái độ, năng lực, tri thức và kỹ năng- trong đó giáo dục nhân cách là nhiệm vụ hàng đầu.

Tham luận về thực hiện Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đồng chí Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Thời gian qua Hà Nội thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành chất lượng các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Đến nay, Hà Nội cơ bản đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học (TH) công lập, 1 trường THCS công lập; 3 đến 5 vạn dân có 1 trường THPT công lập; xây mới và cải tạo được 1.362 trường học các cấp, vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2020 là 509 trường công lập, với kinh phí 35 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt kết quả xuất sắc trong 5 năm qua. Trước khi thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 của một số trường năm học 2013 - 2014 còn thấp, đặc biệt là khu vực Hà Tây cũ, đến nay, điểm bình quân hàng năm các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 toàn TP đều tăng.

Kết quả giáo dục mũi nhọn luôn đạt thành tích xuất sắc, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; chất lượng giải từng bước được nâng lên.

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, bất cập như một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cá biệt, vẫn còn có trường hợp vi phạm các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nhà giáo…

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT, với mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm GDĐT chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực; GDĐT nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng những yêu cầu mới; chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu chú trọng kiến thức sang tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học, ngành GDĐT xác định mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể là phải tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực toàn diện, cần thiết gồm phát triển cả phẩm chất và năng lực con người, cả dạy chữ, dạy người, dạy nghề;

Từng bước chuyển hệ thống GDĐT phát triển chủ yếu theo quy mô, số lượng sang phát triển vừa lấy trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa chú ý quy mô, số lượng; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa; Giáo dục học sinh Thủ đô dần đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu, đồng thời phải có những phẩm chất cần thiết, tiêu biểu của con người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Để thực hiện được những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển GDĐT đề ra, đồng chí Chử Xuân Dũng cho rằng cần thiết tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của TP trong việc phát triển sự nghiệp GDĐT Thủ đô; Tiếp tục thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đảm bảo quỹ đất để xây dựng trường học các cấp phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, lớp học đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng đó, tiếp tục đổi mới nội dung GD-ĐT theo hướng toàn diện bao gồm giáo dục phẩm chất, thái độ, năng lực, tri thức và kỹ năng (trong đó giáo dục nhân cách là nhiệm vụ hàng đầu); GDĐT tạo ra những con người có năng suất lao động cao, hiệu suất công tác tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT Tăng cường thu hút nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao, trường học thông minh, trường song bằng, trường liên kết theo chương trình quốc tế ở tất cả các cấp học.

Đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình đào tạo, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra, xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng GD-ĐT.

doi moi giao duc theo huong toan dien chu trong giao duc nhan cach
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trình bày tham luận tại Đại hội (ảnh X.H)

Tham luận về kinh nghiệm củng cố cơ sở Đảng yếu kém, xây dựng cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy, đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng cho biết: Qua 3 năm thực hiện, TP Hà Nội đã củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhiều tổ chức cơ sở Đảng, từng bước giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp, nổi cộm, nhạy cảm, từ đó làm tăng niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, trách nhiệm, thay đổi nhận thức và hành động trong giải quyết các vụ việc phức tạp hoặc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém hoặc còn những mặt hạn chế, tồn tại. Từ đó đã kiểm soát tốt hơn tình hình ngay từ cơ sở, giảm bớt bức xúc, mâu thuẫn nội tại từng địa bàn, không để gây căng thẳng, phức tạp thêm tình hình hoặc phát sinh các vụ việc mới.

Một số địa phương đã thực hiện tăng cường công tác cán bộ ở một số địa bàn còn tồn tại, được đánh giá là biện pháp phù hợp để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm. Đặc biệt, công tác nắm tình hình dư luận xã hội được các cấp ủy chú trọng, kịp thời có biện pháp giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.

Sau khi rà soát, nắm bắt được tình hình một số tổ chức cơ sở Đảng có tồn tại, hạn chế, một số cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, cấp ủy giảm sức chiến đấu và có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, Ban Thường vụ Quận ủy đã tập trung lãnh đạo, thành lập tổ chỉ đạo của quận, làm việc với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở để củng cố tổ chức cơ sở Đảng còn có những tồn tại, hạn chế. Các tổ chức cơ sở Đảng đã từng bước khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, nội bộ đoàn kết, vai trò lãnh đạo của cấp uỷ được nâng lên rõ rệt, được cán bộ, đảng viên đồng tình, nhân dân tin tưởng.

Cùng với củng cố, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, tập trung giải quyết các vấn đề phức tạp ở cơ sở, Quận ủy cũng tập trung rà soát, sắp xếp các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc. Đầu nhiệm kỳ với tổ chức cơ sở Đảng, Quận ủy đã sắp xếp đến nay còn 69 tổ chức cơ sở Đảng (50 đảng bộ và 19 chi bộ), nhận từ TP về 7 tổ chức cơ sở Đảng, chuyển đi 7 tổ chức cơ sở Đảng.

Theo Phó Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng, bên cạnh việc chủ động rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Quận ủy đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Trung ương, Thành ủy và phù hợp tình hình thực tiễn thì kinh nghiệm để củng cố cơ sở Đảng yếu kém của quận là tập trung chỉ đạo, giải quyết ngay đối với một số tổ chức cơ sở Đảng có vấn đề phức tạp hoặc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy…

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động