Doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập cùng “dòng chảy số”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vạch ra lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 giai đoạn. Ảnh: TL |
Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Với đóng góp như vậy, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế.
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ. Ngày 26/08/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã triển khai một số Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, nhằm vượt qua đại dịch và hướng tới mô hình kinh doanh bền vững.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho thấy, có tới 72% không biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ bộ phận nào trong đơn vị mình, 92% không biết phải chuyển đổi số thế nào cho phù hợp và 69% không biết có mong muốn thuê ngoài để chuyển đổi nhưng không biết đối tác nào để triển khai. Do đó, theo ước tính, tới hiện tại chỉ mới xấp xỉ 20% doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trong tổng số toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trong đó có đào tạo về xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số một cách bài bản.
Ths Phạm Vũ Hiệp - Chuyên gia chuyển đổi số cho biết, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vạch ra lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 giai đoạn: xác định tầm nhìn, chiến lược chuyển đổi số; chuyển đổi số mô hình kinh doanh; chuyển đổi số mô hình quản trị; chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản trị, áp dụng công nghệ số tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Theo Ths Phạm Vũ Hiệp, việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số là bước đệm không thể thiếu, có khả năng quyết định thành công hay thất bại của cả quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Nhưng một thực tế rõ ràng là việc xây dựng này không hề dễ dàng mà cần thời gian, công sức cho việc tìm hiểu, đánh giá, phân tích các yếu tố xung quanh từ ngay chính bản thân doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh đến thị trường.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tham gia vào quá trình này cũng cần phải đảm bảo có những hiểu biết và tư duy nhạy bén nhất định để đảm bảo có được một lộ trình chuyển đổi số thích hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện.
“Chuyển đổi số là một hành trình không ngừng nghỉ, vì vậy, việc có được một lộ trình rõ ràng và đúng hướng sẽ giúp doanh nghiệp gặt hái được những thành công lớn một cách nhanh chóng và ít rủi ro” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại