Doanh nghiệp được phép khuyến mại lên đến 100%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhách hàng đang mua sắm tại siệu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Thông tin về Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023” sáng 29/11, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng các hình thức mua hàng, khuyến mại, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1873/QĐ-BCT về việc tổ chức Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023” từ ngày 4/ 12/2023 đến ngày 10/1/2024 trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình này do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức, giao cho Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng Cục Quản lý thị trường), các hiệp hội, ngành hàng trên cả nước, Sở Công Thương các tỉnh, TP, các thương nhân, tổ chức và cá nhân liên quan, các cơ quan và đơn vị truyền thông cùng phát động, thực hiện.
Điểm mới của Chương trình được xây dựng và triển khai trên cơ sở tạo ra một khoảng thời gian vào dịp cuối năm để tất cả các thương nhân, DN thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam có thể chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại mà trong đó hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn của DN, thay cho việc bị giới hạn ở mức 50%.
Tuy nhiên, các DN cũng đảm bảo việc thực hiện các hoạt động khuyến mại hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như các quy định về thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.
Về việc khuyến mại có thể lên tới mức 100%, ông Lê Hoàng Tài cho rằng, theo quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP: Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (đợt Tết âm lịch: 30 ngày trước ngày đầu tiên của năm âm lịch) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%.
Như vậy, theo quy định này, DN được phép khuyến mại lên đến hạn mức 100% từ ngày 4/12/2023 đến ngày 9/2/2024. Các DN theo đó cũng sẽ chủ động xây dựng chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp.
Cục Xúc tiến Thương mại sẽ kết hợp với các nhà mạng để nhắn tin tới người tiêu dùng để họ biết rõ thông tin, không bỏ lỡ các chương trình. Năm 2022, theo thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa có gần 70.000 chương trình khuyến mại hưởng ứng Tháng Khuyến mại tập trung quốc gia 2022, đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 17% cùng kỳ 2021. Chương trình "Khuyến mại tập trung quốc gia 2023" được kỳ vọng sẽ có hơn 100.000 chương trình khuyến mại, duy trì mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ.
Theo ông Mai Văn Sơn - Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại thông tin, hiện đã có hơn 40 địa phương ban hành chương trình riêng, lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với hoạt động văn hóa du lịch. Để tránh tình trạng khuyến mại ảo, Chương trình có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến mại của các DN, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại