Thứ năm 28/03/2024 22:56

Điện ảnh Việt: Lại lỡ thêm một mùa hè?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dịch bệnh phức tạp đã khiến một lần nữa, hệ thống các phòng chiếu tại Việt Nam phải tạm dừng hoạt động. Đồng nghĩa, phim Việt có thể sẽ lỡ thêm một mùa hè nữa. Vì ngay cả khi tình hình ổn hơn, thì điện ảnh vẫn phải mất thời gian nhất định để phục hồi.

Khi các phim “Lật mặt: 48h (Lật mặt 5)”, “Trạng Tí”, “Thiên thần hộ mệnh”… đang chiếu dang dở thì dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, các cụm rạp đóng cửa, các phim dừng chiếu. Đây cũng là những phim từng có doanh thu tốt khi ra rạp. Riêng "Lật mặt: 48h" của Lý Hải hiện đã đạt hơn 150 tỉ đồng trước khi phải tạm dừng chiếu.

Bản thân “Lật mặt 5” và “Trạng Tí” rất… “long đong lận đận” khi đã nhiều lần hoãn chiếu, lùi thời điểm ra rạp đến cả năm. Việc tạm dừng chiếu 3 tác phẩm kể trên khiến không ít nhà sản xuất, đơn vị phát hành phim đau đầu.

Không chỉ thế, hàng loạt phim Việt đã lên lịch khởi chiếu, trong đó, có “Bẫy ngọt ngào”, “Bóng đè”, ‘Dân chơi không sợ con rơi”… cũng sẽ hoãn vô thời hạn. Không chỉ phim Việt, loạt phim ngoại trong đó có cả bom tấn Hollywood sẽ không thể ra chào rạp Việt vào đúng mùa hè năm nay như: “Đêm trói buộc”, “Hoàng tử hát rong”, “Kẻ nguyền ta chết”, “Đứa bé’, “Cruella”, “Fast & Furious 9: Huyền thoại tốc độ”...

Điện ảnh Việt: Lại lỡ thêm một mùa hè?
"Lật mặt 5" đang trên đà doanh thu cao phải tạm dừng chiếu (Ảnh: ĐLP)

Trên thực tế, Chính Phủ đang rất nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nhưng nhiều dự báo cho rằng: Phim Việt sẽ tiếp tục lỡ thêm một mùa hè nữa. Bởi ngay khi tình hình bình thường, phim Việt đã khó cạnh tranh với phim ngoại vào 3 tháng hè. Còn với tình hình hiện tại, mọi chuyện sẽ khó hơn, bởi rạp chiếu bao giờ cũng cần thời gian sau đó để phục hồi ngay cả khi nếu được cho phép hoạt động trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Khó khăn cho các đoàn phim và ngành chiếu bóng Việt Nam là điều có thể nhìn thấy được. Liên tục hứng chịu những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dai dẳng từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim trong nước gửi văn bản kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ vượt qua cơn khủng hoảng chưa từng có.

"Trong thời gian chờ đợi chính sách hỗ trợ từ chính phủ và bộ ngành, chúng tôi cũng nỗ lực làm việc với các đơn vị như ngân hàng, bên cho thuê mặt bằng để xin hoãn các khoản thanh toán đến hạn, thậm chí là xin miễn giảm tiền thuê, phí điện nước... Tự thân doanh nghiệp và tập thể người lao động cũng nỗ lực giảm thiểu các chi phí có liên quan…” – đại diện CGV cho hay.

Mùa hè năm 2020, mặc dù các rạp được mở cửa trở lại, nhưng phim Việt ra rạp rất dè chừng, bởi tâm lý của khán giả cũng ảnh hưởng nhiều đến việc bán vé. Kịch bản này có thể tiếp tục diễn ra trong năm nay, bởi các đơn vị sản xuất phim, dù bị hoãn chiếu đã phải chấp nhận thiệt hại, nhưng sẽ là liều lĩnh hơn khi đem phim công chiếu khi rạp chưa phục hồi, nhận về doanh thu thấp.

Năm nay sẽ cần nhiều thời gian hơn cho các nhà sản xuất phim Việt và các cụm rạp. Cắt giảm doanh thu và hi vọng vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tốt chính là việc có thể làm được vào lúc này. Còn sau đó, họ lại phải cân nhắc hơn về thời điểm phim ra rạp, phân bổ suất chiếu và sử dụng các biện pháp phòng dịch hiệu quả.

Với các nhà sản xuất phim, thời điểm này việc tốt nhất có thể làm là chuẩn bị cho những kịch bản, những dự án phim tốt. Cùng nhìn lại năm 2020 mới thấy, tất nhiên trở lại rạp sau bệnh dịch sẽ có những e dè, nhưng khi tình hình được kiểm soát tốt thì chất lượng phim là bảo chứng doanh thu. Năm 2020 cả “Tiệc trăng máu”, cả “Mắt biếc” và sau đó là “Bố già” của đầu năm 2021 đều có doanh thu khủng. Mà cơ bản nhất của con số doanh thu này chính là chất lượng phim tốt.

Điện ảnh Việt: Lại lỡ thêm một mùa hè?
Nhiều phim Việt chính thức lỡ dịp hè năm 2021 (Ảnh từ phim "Bóng đè"

Trấn Thành từng nêu quan điểm rằng ở một khía cạnh nào đó, dịch bệnh sẽ đào thải những bộ phim không có chất lượng, thay vào đó, tất cả các ê-kip đều phải tính toán kỹ lưỡng hơn, đầu tư cho phim có chất lượng tốt hơn, để trong tình hình phức tạp, phim ấy vẫn “trụ” qua được những khoảng thời gian khó khăn, và bùng nổ khi được phép ra rạp. Điều này hoàn toàn đúng. Bởi qua diễn biến dịch bệnh, khán giả cũng xem phim có chọn lọc hơn, bỏ tiền đến rạp có tính toán hơn.

Rất khó để dự đoán về thời gian còn lại trong năm 2021 của điện ảnh Việt. Nhưng có một điều chắc chắn là phim Việt đã lỡ thêm một mùa hè nữa. Và nhiều khả năng, các dự án phim năm nay cũng giảm về số lượng. Các nhà sản xuất, các đơn vị phát hành trong thời gian “nghỉ” này cần tính toán hợp tác cho những dự án thực sự chất lượng, để ngay khi được mở cửa trở lại, các cụm rạp có thể phục hồi nhanh hơn, có doanh thu từ những mùa phim khác, thay vì một mùa hè đã lỡ.

Thoại phim trong điện ảnh Việt: Những bước tiến rất… đời Thoại phim trong điện ảnh Việt: Những bước tiến rất… đời

Từ “Tiệc trăng máu” đến “Bố già” những phim đã, đang rất được khen ngợi, doanh thu hơn trăm tỷ cho thấy đây đều là ...

Không có cuộc chiến phim Tết, thị trường điện ảnh Việt sẽ thay đổi thế nào trong thời gian còn lại của năm 2021? Không có cuộc chiến phim Tết, thị trường điện ảnh Việt sẽ thay đổi thế nào trong thời gian còn lại của năm 2021?

Những tưởng mùa phim Tết khán giả Việt sẽ “tha hồ” phim “bom tấn” để xem thì diễn biến dịch bệnh Covid-19 một lần nữa ...

Điện ảnh Việt: Sự hào nhoáng của số ít trăm tỷ đã át đi số nhiều phim thảm bại Điện ảnh Việt: Sự hào nhoáng của số ít trăm tỷ đã át đi số nhiều phim thảm bại

Đầu năm 2021,có quá nhiều cái tên phim “ngã ngựa” dù có sự tham gia của nhiều ê-kíp tên tuổi và chuyên nghiệp. Câu hỏi ...

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động