Thứ hai 29/04/2024 09:30

Thoại phim trong điện ảnh Việt: Những bước tiến rất… đời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ “Tiệc trăng máu” đến “Bố già” những phim đã, đang rất được khen ngợi, doanh thu hơn trăm tỷ cho thấy đây đều là những tác phẩm có điểm chung nhất định. Điểm chung rõ nhất là phần “thoại” khiến khán giả gật gù không ngớt. Nhìn lại phim Việt những năm qua mới thấy là: Thoại phim đã có những bước tiến thật… đáng đồng tiền bát gạo.

Những câu thoại chạm đến cảm xúc của “Bố già”

“Bố già” – đang làm mưa làm gió phòng chiếu Việt xoay quanh câu chuyện gia đình nhiều thế hệ gồm Hai Giàu (Ngọc Giàu), Ba Sang (Trấn Thành), Tư Phú (Hoàng Mèo) và Út Quý (La Thành). Bốn chị em Giàu – Sang – Phú – Quý mà mãi vẫn… nghèo, sống trong con hẻm lao động giữa Sài Gòn đô hội. Xoáy sâu vào sự khác biệt quan niệm giữa hai thế hệ cha - con, “Bố già” dẫn người xem trôi vào những kỷ niệm mà đa phần ai từng sống ở Sài Gòn 20-30 năm trước đều cảm nhận rõ: Xóm nghèo, nước ngập, ồn ào… với đủ thứ hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời.

Và yếu tố góp phần mang đậm dấu ấn đời sống chính là thoại phim. "Bố già" khiến khán giả tâm đắc, thậm chí rơi lệ bởi nhiều câu thoại như… đời. Phim đã khiến khán giả bất chợt nhận ra là: Có lẽ đã qua rồi thời kỳ của những câu thoại khiên cưỡng trên màn ảnh. Bây giờ, phim hay phải đồng nghĩa với thoại đắt giá.

Mối quan hệ cha con trong phim là trung tâm. Đàn ông vốn ngại bày tỏ cảm xúc. Vậy nên, cha con ông Sang (Trấn Thành đóng) và Quắn (Tuấn Trần đóng) quen ăn nói cộc cằn, thương nhau chỉ giấu trong dạ. Chỉ khi gia đình lâm vào bi kịch, quá lo quá xót cho nhau mà không biết làm gì, họ mới thốt ra được những câu chữ tưởng đơn giản nhưng đầy khó khăn này để biểu đạt chân tình. “Tao thương mày mà" - "Tui thương ba".

Thoại phim trong điện ảnh Việt: Những bước tiến rất… đời
"Bố già" của Trấn Thành được đặc biệt khen ngợi về thoại (Ảnh: ĐPCC)

Phân cảnh bà Cẩm Lệ (Lê Giang đóng) khuyên Quắn (Tuấn Trần đóng) bằng một giọng hóm hỉnh và nhẹ nhõm: “Câu xin lỗi rất khó nói, nhưng nói ra rồi thì dễ thương lắm" khiến khán giả rất nhẹ lòng. Nếu ông Sang và Quắn mỗi người nhường nhau một bước, căn nhà của họ đã bớt đi những tranh cãi ồn ào.

Nhân vật Quắn của Tuấn Trần thực sự gây ấn tượng bởi những câu thoại: "Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?", “Cuộc đời của ai người ấy sống đi”. Còn Trấn Thành, vẫn cứ “bảo thủ” trong cái triết lý về tình thân: "Gia đình tao tao phải thương chứ".

Và dòng chữ kết phim “Chúng ta có nhiều thời gian, bố mẹ thì không” đã khiến rất nhiều người nán lại rạp khi phim đã khép lại. Trong phim, thoại của các nhân vật thật thà như đang là cuộc sống trôi qua trong từng khung hình, từ bà thím luôn gọi chồng là “mày” đến bà bác Hai nói rằng “mổ đi rồi tao cho tiền”, đến cả cậu út rất quậy phá nhưng câu cuối nhiều rưng rưng: “Nhà chỉ có ông coi tôi là con người”. Có lời thoại ấm áp, có lời thoại như vết dao cắt vào tim gan từng người, nhưng khán giả đều khen rằng: Đó là đời không sai đi đâu được.

“Tiệc tăng máu” chuyển thể thuần Việt cũng nhờ thoại

Còn nhớ cuối năm 2020, “Tiệc trăng máu” cũng vù vù vượt qua mốc 150 tỷ với rất nhiều khen ngợi. Nhiều người còn quên đi rằng đây là một bộ phim chuyển thể, có kịch bản gốc Ý, nhưng phim Việt chuyển thể lại từ phiên bản Hàn – được xem là gần gũi, nhiều tương đồng với văn hóa Việt hơn cả.

Và tất nhiên, ngoài nỗ lực diễn xuất của diễn viên, sự hợp lý trong các bối cảnh thì phim được khen là chuyển thể vô cùng nhuần nhuyễn chính nhờ các câu thoại đắt giá.

Câu nói của nhân vật Ánh (Hồng Ánh đóng) khi bình phẩm về chuyện những bí mật trong điện thoại: “Chiếc điện thoại không khác gì hộp đen của cuộc sống. Nếu ai đó đụng đến điện thoại của đối phương thì chắc chắn có nhiều cặp đôi sẽ chia tay”, khiến không ít người xem giật mình bởi ngày nay, điện thoại chứa quá nhiều bí mật của con người từ: tin nhắn, hình ảnh, clip,... Và trong hàng loạt bí mật đó sẽ có những thứ chúng ta không muốn phơi bày cho người yêu, người bạn đời của mình. Bởi nó sẽ là một cái kết tan vỡ nếu thật sự bí mật đó động trời.

Thoại phim trong điện ảnh Việt: Những bước tiến rất… đời
"Tiệc trăng máu" là phim remake, nhưng được khen ngợi vì chuyển thể tốt, thoại rất nhiều ý nghĩa (Ảnh: ĐPCC)

Còn Thu Quỳnh (Thu Trang đóng) khi nói với chồng khi lúc cả hai mâu thuẫn nhất cũng khiến bao người trăn trở về hôn nhân thời hiện đại: “Cứ tưởng mình đã hiểu rõ về nhau nhưng hoá ra chỉ là người lạ chung giường!”.

Câu thoại chính thức và cũng là mà là thông điệp cuối phim “Mỗi người đều sống 3 cuộc đời: Cuộc đời công khai, riêng tư và bí mật” gây ám ảnh thực sự cho người xem bởi thật sự là chúng ta, ai cũng đã từng sống như thế.

Bình Bồng Bột – biên kịch của “Tiệc trăng máu” từng chia sẻ: Sáng tạo kịch bản không chỉ là chuyện của một mình biên kịch. Nó là chuyện của nhà sản xuất, của đạo diễn. Khi có 1 ý tưởng, chúng tôi phải ngồi lại với nhau. Đạo diễn chịu trách nhiệm sáng tạo, nhà sản xuất chịu trách nhiệm về tiền, về định hướng phù hợp với sở thích của khán giả. Từ ý tưởng đó, chúng tôi sẽ cùng nhào nặn lên thành một cái khung, và từ đó kịch bản thành hình.

Đã là những bước tiến rất… đời

Điểm dễ nhận thấy là phim hay thường có thoại hay, mà thoại hay chính là thoại rất đời, điều mà chúng ta từ nhiều năm trước vẫn hay mong muốn. Nhiều khán giả khi xem phim trước đây (không phải tất cả nhưng đa số) đều thốt lên là thoại sao sáo rỗng, máy móc quá vậy. Đôi lúc lại lên gân lên cốt bất thường, khi khác lại quá khẩu hiệu, phing trào. Họ chỉ mong đưa được những câu thoại gần gũi, vừa đời, vừa hay, vừa đắt lên phim. Và bây giờ, các phim đang tiến gần hơn đến bước tiến mang tên: Thoại phim như đời đó.

Biên kịch Bình Bồng Bột từng nói: Một câu thoại tốt là một thoại mà nhân vật nói cho mình nghe họ muốn gì, họ muốn nói gì, và mình chỉ ghi chép lại. Nói cách khác, nhân vật không được phép nói theo ý muốn của biên kịch và phải hoàn toàn ngược lại, biên kịch phải hỗ trợ để nhân vật cất lên tiếng nói của họ.

“Bố già “Bố già" trở thành phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời đại

Đây là một thành công xứng đáng dành cho “Bố già” khi phim chạm đến tận cùng cảm xúc của khán giả.

Phim Việt rục rịch trở lại rạp: Qua “khổ tận” có “cam lai”? Phim Việt rục rịch trở lại rạp: Qua “khổ tận” có “cam lai”?

Vậy là sau thời gian tạm hoãn để phòng chống dịch bệnh, loạt phim Việt đã lên lịch trở lại từ nay đến tháng 4. ...

Phim Việt lại hoãn chiếu mùa Tết: Hi vọng thị trường điện ảnh không đóng băng quá lâu Phim Việt lại hoãn chiếu mùa Tết: Hi vọng thị trường điện ảnh không đóng băng quá lâu

Một lần nữa, giới giải trí sớm chịu hậu quả nặng nề do COVID-19 khi những dự án quan trọng như phim điện ảnh tết ...

Tìm kịch bản hay cho phim Việt: Cần “dũng khí” để so bó đũa chọn cột cờ Tìm kịch bản hay cho phim Việt: Cần “dũng khí” để so bó đũa chọn cột cờ

Cục Điện ảnh Bộ VH-TT&DL đã tổ chức lễ phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020”. Vậy là sau ...

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động