Thứ bảy 27/04/2024 05:53

Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 29/5, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ba Đình, TP Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Voi Phục, đền Quán Thánh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn đền Voi Phục, đền Quán Thánh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn đền Voi Phục, đền Quán Thánh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Ba Đình thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy các di tích quốc gia đặc biệt; Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ các giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích có tính thường xuyên, lâu dài, nhằm tạo bước đột phá, lưu lại dấu ấn đậm nét đối với nhân dân Thủ đô, với du khách trong nước và quốc tế…

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề nghị quận Ba Đình rà soát bổ sung nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích là công trình phục vụ nhân dân, tuyệt đối không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ; Ban quản lý Di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi “Thăng Long Tứ trấn", địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, TP. Hà Nội dâng hương tại Đền Voi Phục
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, TP. Hà Nội dâng hương tại Đền Voi Phục

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận Ba Đình có 74 di tích lịch sử văn hoá. Trong đó, Trấn Tây (Đền Voi Phục) và Trấn Bắc (Đền Quán Thánh) là một trong những biểu tượng của Thăng Long Hà Nội.

Trải qua thăng trầm lịch sử, Tứ trấn vẫn ngày đêm trấn giữ để bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay được yên bình, thịnh vượng.

Rước Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào Đền Quán Thánh
Rước Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào Đền Quán Thánh

Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hoá như vậy, việc di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long Tứ trấn gồm đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Kim Liên (quận Đống Đa) được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đợt 12 là niềm vinh dự to lớn cho toàn hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô nói chung của 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm.

Trước đó, ngày 16/4, quận Đống Đa đã tổ chức Lễ khai hội truyền thống và đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn - đền Kim Liên.

Đền Voi Phục nằm về phía Tây thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) được xây dựng vào năm 1065, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, một dũng tướng, có công lớn đánh giặc Tống xâm lược nước ta ở thế kỷ XI, giữ cho "Quốc thái dân an". Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang đã hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc Nguyên – Mông từ phương Bắc. Ngài được vua Trần sắc phong "Bình Mông Vương Thượng Đẳng Phúc Thần".

Hai bên cổng đền Voi Phục có bia hạ mã và đôi voi chầu phục. Phía trước lối đi giữa là một giếng vuông mang ý nghĩa tụ thủy tụ phúc, nơi xưa kia lấy nước cúng. Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây "chạm tròn" bằng đá, một sản phẩm khoảng giữa thế kỷ XIX và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính được chạm nổi, mang nét chuẩn mực.

Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên ngày nay) và phố Quán Thánh trông ra hồ Tây, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xây theo kiểu nội "đinh", ngoại "quốc", ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung.

Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng "Đề Chân Vũ quán", do vua Thiệu Trị ngự đề. Điều đặc biệt ở đền Quán Thánh là ở hậu cung đặt pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm 1677. Pho tượng cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Tượng có đầu tròn, đội mũ ni, tai to, khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài… toát lên thần thái của một đạo sĩ.

T.Quang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động