Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc trọng điểm ở Bình Dương, phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: VGP |
Đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc để kết nối vùng
Cùng đi với Thủ tướng có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
Trong chuyến khảo sát Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thực địa nắm tiến độ Dự án thành phần 1 (bồi thường giải phóng mặt bằng) đường TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Thị sát khu vực giải phóng mặt bằng dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là tuyến đường rất huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược, kết nối giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành và hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển…
Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để đẩy nhanh tiến độ dự án, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Phước chỉ có 7 km theo hình thức đầu tư công cần khẩn trương triển khai, hoàn thành sớm.
Trong quá trình triển khai, nhà thầu chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương làm nhà thầu phụ để vừa thi công nhanh dự án, vừa tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, vừa giúp các doanh nghiệp địa phương trưởng thành để làm các dự án lớn khác.
Thủ tướng yêu cầu bố trí các nút giao trên tuyến cao tốc phù hợp, khẩn trương quy hoạch để khai thác tốt nhất không gian phát triển mới từ tuyến cao tốc, phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị thế hệ mới với các yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp.
Thủ tướng lưu ý các nút giao cần xây dựng khác mức, với không gian xanh, sạch, đẹp; các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu thêm việc kết nối tới Tây Ninh để Tây Ninh có đường ra cảng biển, sân bay ngắn nhất có thể.
Thủ tướng động viên lực lượng tham gia dự án. Ảnh: VGP |
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (kết nối Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), kết nối các sân bay và cảng biển… Đoạn qua Bình Phước dài khoảng 7 km, Bình Dương hơn 52 km.
Trong đó, đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đi qua 5 địa phương cấp huyện; điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (thuộc địa phận thành phố Thuận An), điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài tuyến khoảng 52,159 km, trong đó đoạn giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang đường hiện trạng khoảng 6,5 km, đoạn xây dựng mới khoảng 45,6 km.
Phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 đầu tư đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5 m, vận tốc thiết kế 100 km/h; giai đoạn hoàn thiện đầu tư đường cao tốc hoàn chỉnh có 6 làn xe theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Trên tuyến gồm 4 nút giao liên thông và 2 điểm ra vào đường cao tốc; xây dựng 26 công trình cầu; bố trí các hầm chui dưới đường cao tốc hoàn trả đường dân sinh, đường hiện trạng phù hợp theo nhu cầu của địa phương.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đầu tư PPP (loại hợp đồng BOT) và cam kết vốn ngân sách địa phương. Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã có các quyết định phê duyệt các dự án.
Với tổng mức đầu tư khoảng 17.408 tỷ đồng, dự án gồm 2 dự án thành phần, trong đó dự án giải phóng mặt bằng khoảng 381,6 ha với ngân sách khoảng 8.283 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương; dự án thành phần xây lắp theo hình thức BOT với nguồn vốn khoảng 8.883 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2024 - 2027, thời gian thu phí, hoàn vốn dự kiến 32 năm 7 tháng.
Thủ tướng tặng quà cho lực lượng tham gia dự án. Ảnh: VGP |
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (thực hiện cắm cọc giải phóng mặt bằng, kiểm kê, khảo sát xây dựng phương án giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…), phối hợp Tập đoàn Cao su Việt Nam tiến hành các thủ tục thanh lý, cắt hạ cây cao su phục vụ triển khai dự án.
Cùng với đó, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và khởi công dự án trong tháng 11/2024.
Bình Dương thực hiện ‘’3 tiên phong’’, phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới
Cùng ngày, Thủ tướng đã tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng dự sự kiện có: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Bình Dương, một số tỉnh, thành phố phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Bình Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo sự kiện quan trọng này, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn phát triển Bình Dương và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 790/QĐ-TTg, tập trung vào 6 trụ cột phát triển, 37 nhiệm vụ cụ thể và 5 chiến lược tích hợp. Cấu trúc mô hình được xây dựng theo "1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển".
Theo đó, Bình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, hướng tới việc trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử. Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Dương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước và là kết tinh của quá khứ, hiện tại, tương lai, kế thừa, đổi mới và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bình Dương thực hiện “3 xây dựng” về: Môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính. Đồng thời, yêu cầu tỉnh cần thực hiện “3 tiên phong”: Tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế; tiên phong xanh hóa, số hóa nền kinh tế, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng trao Quyết định Quy hoạch cho tỉnh Bình Dương. Ảnh: VGP |
Với Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương thực hiện 5 nội dung: bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính hệ thống, khoa học, hiệu quả.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Bình Dương đã khởi động một số dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, khu công nghiệp Cây Trường và Khu phức hợp WTC Bình Dương. Các dự án này hứa hẹn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Dịp này, tỉnh Bình Dương đã trao quyết định thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án tiêu biểu với tổng nguồn vốn đăng ký 1,8 tỷ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam: xây dựng tuyến đường sắt "thẳng nhất có thể" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại