Dấu ấn các hoạt động triển lãm, trưng bày thắp lửa tri ân ngày 27/7
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Triển lãm “Còn mãi với thời gian” mở cửa từ ngày 20 đến 29/7/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật. |
Triển lãm “Còn mãi với thời gian”
Khai mạc từ ngày 20/7, triển lãm “Còn mãi với thời gian” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Triển lãm quy tụ 69 tác phẩm mỹ thuật của 62 tác giả, trong đó có 17 họa sĩ-chiến sĩ được lựa chọn trong sưu tập của bảo tàng.
Ấn tượng của triển lãm là sự đa dạng của các loại hình tác phẩm, các thể loại tác phẩm được thể hiện phong phú trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, điêu khắc…
Bức tranh “Trong lán dân quân” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung tại triển lãm “Còn mãi với thời gian” |
Có thể kể tới những tác phẩm của nghệ sĩ vừa cầm súng vừa ghi lại những khoảnh khắc hào hùng: Đồng chí Trung Kiên và đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (họa sĩ Dương Hướng Minh), Phan Đình Giót (họa sĩ Huy Toàn), Mở đường thắng lợi (họa sĩ Ngô Mạnh Lân), Nuôi quân (họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp), Nguyễn Văn Trỗi (họa sĩ Đạo Khánh)…
Một số tác phẩm đưa người xem hồi tưởng về thời chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc như: Anh thương binh (nhà điêu khắc Phạm Mười), Ca mổ trong hang sơ tán (Trần Ngọc Hải)...
Bên cạnh những mất mát đau thương còn có những giây phút lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi như: Trong lán dân quân (Nguyễn Văn Chung), Thương binh xem triển lãm (Xuân Hồng), Đêm trăng qua vọng gác (họa sĩ Mai Long), Đọc báo cho thương binh (Trần Hữu Tê).
Theo Ban tổ chức, sự kết hợp của hai bảo tàng mang đến nhiều tác phẩm chất lượng hơn. Qua đó, truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, lòng tri ân, trân trọng và biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay.
Trưng bày “Cung trầm tháng 7” tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Ngày 20/7, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giới thiệu trưng bày “Cung trầm tháng 7”. Trưng bày truyền tải câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hi sinh anh dũng của những chiến sĩ yêu nước khi bị địch bắt, giam trong ngục Hỏa Lò.
Trưng bày “Cung trầm tháng 7” diễn ra từ ngày 20/7 và kéo dài đến hết ngày 31/10/2022. |
Những người thực hiện “Cung trầm tháng 7” đã thiết kế trưng bày gồm ba nội dung chính: “Khát vọng non sông”, “Dưới ngọn cờ hồng” và “Mãi mãi khắc ghi”. Giữa trung tâm trưng bày là một đài sen với ngọn nến tri ân luôn cháy sáng, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đến các Anh hùng liệt sĩ - những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân và tính mệnh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bên cạnh hoạt động trưng bày, tái hiện hoạt cảnh về cuộc đấu tranh đòi tăng lượng nước sinh hoạt của các tù chính trị diễn ra mô hình nhà tắm tập thể và hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò.
Nhân chứng lịch sử, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà - trưởng Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò 1930-1954 tham dự trưng bày "Cung trầm tháng 7" tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò |
Nhân chứng lịch sử, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà - trưởng Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò 1930-1954 cho biết, ông rất xúc động khi những ngày tháng 7 này được nhớ về các đồng chí đã anh dũng hi sinh của mình và nhớ về chính quãng thời gian bị tù đày ở Hòa Lò từ 1950-1953.
Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” và trao tặng kỷ vật thời chiến
Ngày 22/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ diễn ra triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” và trao tặng kỷ vật thời chiến. Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Mở đầu sự kiện là triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”, giới thiệu 12 câu chuyện tình yêu thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký thời chiến.
Ảnh nữ chiến sĩ Vũ Thị Lui, năm 1968. Ảnh bà Lui tặng người yêu trước khi lên đường đi chiến trường. Phía sau ảnh có ghi chú -Mùa hoa bưởi. Ảnh Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam |
Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu; Đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh; Tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn;...
Tại sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp nhận 4 bộ sưu tập thư thời chiến, sổ thơ, kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa.
Trong khuôn khổ sự kiện là hoạt động giao lưu trực tiếp với nhân vật trong triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” và đại diện đến từ Đội nữ chiến sĩ Trường Sơn và một số nhân chứng lịch sử là Thương binh, thân nhân Liệt sĩ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, là thành viên của CLB “Trái tim Người lính”.
Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa”
Từ ngày 24 đến ngày 27/7, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) diễn ra triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa”.
Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa” khai mạc ngày 24/7 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam |
Triển lãm bao gồm 2 khu: Khu triển lãm chung trưng bày các nội dung “Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; “Một số hoạt động trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trong những năm vừa qua”; Trưng bày sách, các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ, gia đình cách mạng và người có công; Triển lãm tranh cổ động “Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2022”.
Nội dung thứ 2 là khu vực trưng bày “Toàn xã hội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” với các triển lãm: “Công an nhân dân – 75 năm đền ơn đáp nghĩa”; “Sáng ngời đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”; “Hà Nội – 75 năm trọn vẹn nghĩa tình”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại