Chủ nhật 16/06/2024 03:10

Đại biểu băn khoăn về quy định trích tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cho Cảnh sát giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông, đại biểu cho rằng cần cân nhắc.
Đại biểu băn khoăn về quy định trích tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cho Cảnh sát giao thông
Quốc hội phiên làm việc buổi chiều, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Quốc hội

Trích tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cho Cảnh sát giao thông

Chiều 22/5, trong phiên thảo luận, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đã có 44 đại biểu bấm nút xin tham gia. Phần lớn các đại biểu đều đồng tình với dự thảo Luật lần này.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre tỏ ra băn khoăn về khoản 1, Điều 5 của Dự Luật. Theo đại biểu, việc đưa quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông là thật sự chưa hợp lý.

Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả phải tuân thủ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, tại sao lĩnh vực này lại quy định riêng, đưa ra quy định trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính, một mặt làm cho không thống nhất với chính sách, quy định chung và các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách Nhà nước…

Từ đó, đại biểu đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước trong dự thảo Luật, mà vấn đề này thực hiện theo Luật Ngân sách.

Đại biểu băn khoăn về quy định trích tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cho Cảnh sát giao thông
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quốc hội

Có quan điểm khác, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp ủng hộ việc trích tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cho CSGT vì lực lượng này rất cực khổ, song phải có quy định cụ thể trích bao nhiêu phần trăm chứ không thể nói "trích một phần".

"Trước đây đã có một dự thảo, dư luận báo chí đã phản ánh là trích 70% cho lực lượng giao thông. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, nếu trích cao như vậy cảnh sát giao thông phạt rất triệt để để được hưởng chế độ, như vậy chuyện này tôi nghĩ không nên. Mấy anh cảnh sát giao thông làm việc rất cực khổ, tôi rất đồng tình, trích lại để bồi dưỡng, trích lại để trang bị cho lực lượng này là rất cần thiết nhưng cũng phải có quy định cụ thể chứ không thể nào nói chung chung là trích một phần…" - đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, dự thảo Luật mới nhất đã được tiếp thu, bổ sung 5 Điều mới và bày tỏ quan tâm đến quy định điểm của giấy phép lái xe tại Điều 58. Đại biểu cho rằng, quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết.

Đại biểu nhận thấy, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, các tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, còn xảy ra nhiều tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người, nguyên nhân là do lỗi lái xe không chấp hành quy định pháp luật. Trong khi công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép chưa thực sự chặt chẽ. Các quy định còn nhiều điểm chưa phù hợp mà chưa được sửa đổi, đơn cử như Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ.

Đại biểu băn khoăn về quy định trích tiền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cho Cảnh sát giao thông
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quốc hội

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống điểm phạt đã được quốc tế áp dụng cách đây 50 năm, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp quản lý Nhà nước, vừa có tính giáo dục răn đe, giúp cho lái xe chú ý hơn, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn. Ngoài ra, giúp cơ quan Nhà nước quản lý được người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó vừa nâng cao quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, vừa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh, điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là quy định mới và lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật. Để đảm bảo khi Luật thông qua được triển khai có hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm và trừ bao nhiêu điểm cụ thể đối với từng lỗi vi phạm. Về thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm phải đảm bảo đơn giản, phù hợp, tránh thiệt hại cho người dân theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống dữ liệu.

Theo đó, người lái xe sẽ nhận được thông báo trừ điểm của cơ quan xử phạt, hệ thống dữ liệu sẽ tự động trừ điểm hoặc phục hồi điểm sau một năm. Điều này sẽ không phát sinh tiêu cực, không chồng chéo với các hình thức xử phạt hành chính khác do không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, đây là giải pháp quản lý công khai, minh bạch, hiện đại, quản lý được cả quá trình chấp hành pháp luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ và hướng tới xây dựng thói quen, văn hóa tham gia giao thông thay vì tình trạng chấp hành giao thông một cách đối phó như hiện nay.

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, quy định điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe, Điều 58 dự thảo Luật quy định về điểm trừ và trừ điểm giấy phép lái xe là quy định mới được quy định trong dự thảo Luật. Đây là một biện pháp quản lý nhà nước vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục. Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Theo đại biểu Mai Văn Hải, giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Qua đó đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp. Đồng thời, các quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Về về bản chất, đây cũng là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ điều hành hoạt động của Bộ Công an Thượng tướng Trần Quốc Tỏ điều hành hoạt động của Bộ Công an
Bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe vào luật Bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe vào luật
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động