Đã có 16.564 bệnh nhân Covid được công bố khỏi bệnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTính từ 6g đến 19g ngày 25-7 có 3.552 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (2.227), Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đắk Lắk (14), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đắk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 594 ca trong cộng đồng.
Trong ngày 25-7 có 7.531 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (4.555), Bình Dương (1249), Tây Ninh (313), Đồng Nai (253), Tiền Giang (218), Khánh Hoà (172), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Phú Yên (109), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (56), Vĩnh Long (50), Bến Tre (45), Trà Vinh (27), Bình Phước (26), Kiên Giang (25), Đà Nẵng (16), Hà Nội (15), Đắk Lắk (14), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (7), Bắc Ninh (6), Bình Định (6), Gia Lai (6), Đắk Nông (4), Nghệ An (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), An Giang (2), Thừa Thiên Huế (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều ngày 25-7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 94.717 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.
Trong ngày 25-7 Việt Nam có 7.531 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 98.465 trường hợp |
Về tình hình điều trị: 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25-7.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 19.342 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 154.397 xét nghiệm cho 590.982 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện 5.262.258 mẫu cho 14.982.078 lượt người.
Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.
Trong ngày 25-7 Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX, trong đó 1.499.960 liều đã được chuyển đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 24-7 và 1.500.100 liều sẽ đến Hà Nội vào ngày 25-7.
Đồng Nai gấp rút hoàn thiện 7 bệnh viện dã chiến
Về tình hình phòng chống dịch tại một số điểm nóng ở các tỉnh phía Nam, theo Sở Y tế Đồng Nai, hiện nay tỉnh đang điều trị 2.374 ca nhiễm Covid-19 trên tổng số 2.444 ca mắc Covid-19. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch tỉnh đã và đang gấp rút hoàn thiện 7 bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân gồm: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu, BV dã chiến số 1-Trung tâm Y tế Thống Nhất, BV dã chiến số 2-Ký túc xá Cơ sở 3 Đại học Lạc Hồng, BV dã chiến số 3-Ký túc xá Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 (TP Biên Hòa); BV dã chiến số 4-Trung tâm Giáo dục Quốc phòng tỉnh; BV dã chiến số 5-Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi, Bệnh viện dã chiến số 6-KTX Trường ĐH Đồng Nai.
Cùng với đó là 3 đơn vị Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, BV Thống Nhất Đồng Nai, BV Đa khoa Khu vực Long Khánh.
Ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, dự kiến các bệnh viện cố gắng đạt 5.000 giường và có khả năng mở rộng từ 8.000 – 10. 000 giường. Tỉnh sẽ tận dụng các ký túc xá, những nơi có sẵn tiện nghi cơ bản để nhanh chóng đưa vào sử dụng. "Nếu dịch phức tạp khi số bệnh nhân tăng lên 5.000 người nhiễm, ở các mức độ, Đồng Nai có thể đảm đương được. Tuy nhiên, nếu vượt 5.000 người chắc chắn nguồn nhân lực sẽ thiếu".
Cùng đó, Đồng Nai đã chuẩn bị 150 giường hồi sức tích cực (ICU) và chuẩn bị sẵn sàng xây dựng 1 đơn vị hồi sức tích cực 200 giường tại BV Đa khoa Khu vực Long Thành.
Các ca bệnh nặng ở Đồng Tháp đang được kiểm soát
Gần 20 bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp có tiên lượng rất nặng. Bên cạnh tổ công tác của Bộ Y tế, chuyên gia hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bắc Giang và Bắc Ninh đã được huy động tới Đồng Tháp với mục tiêu hạn chế tối đa nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân nặng.
Theo bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, đại diện Tổ công tác Bộ Y tế tại Đồng Tháp: Các chuyên gia giỏi và Tổ công tác đã sát cánh cùng Đồng Tháp. Cơ bản năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 của Đồng Tháp được củng cố dần. Từ khi Tổ công tác Bộ Y tế vào tư vấn, hỗ trợ thì cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều được tăng cường.
Đoàn cán bộ, chuyên gia Bệnh viện Trung ương Huế; đoàn y tế của Bắc Giang; Bắc Ninh...đã vào giúp địa phương. Các đoàn vừa xét nghiệm vừa tham gia hội chẩn, đánh giá ca bệnh một cách chuẩn xác hơn. Vậy nên số ca bệnh nặng và tử vong ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc đã được kiểm soát. Các ca nặng, tiên lượng tử vong cao được cải thiện dần. Trong những ngày tới, Tổ công tác Bộ Y tế và các đoàn tiếp tục hỗ trợ các cơ sở y tế khác ở Đồng Tháp trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Cùng với điều trị, năng lực xét nghiệm của Đồng Tháp đã được Bộ Y tế hỗ trợ mạnh. Lúc Tổ công tác mới đến thì mỗi ngày chỉ thực hiện được khoảng 5-600 mẫu/ngày. Tổ công tác cùng tỉnh Đồng Tháp đã tích cực nâng lên hơn 2.000 mẫu/ngày. Song song đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ test nhanh cho tỉnh. Tuy nhiên, để xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng thì cần tiếp tục nâng cao hơn nữa.
Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các đoàn công tác, các ca bệnh nặng tại Đồng Tháp đang được kiểm soát, năng lực xét nghiệm của địa phương cũng được tăng lên (ảnh BYT) |
Trưng dụng 30.000 m2 nhà xưởng để xây dựng Bệnh viện dã chiến lớn nhất tại Bình Dương
Ngày 25-7 Đoàn công tác Bộ Y tế do ông Dương Chí Nam-Cục phó Cục Quản lý môi trường Y tế làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã tới thực địa và khảo sát khả năng đáp ứng cơ sở vật chất tại Bệnh viện dã chiến 2 nằm trong Khu công nghiệp Thới Hòa.
Nơi đặt Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bình Dương là hai khu nhà xưởng trong KCN Thới Hòa. Công suất của bệnh viện dự kiến lên tới 6.000 giường bệnh, trong đó có 200-300 giường hỗ trợ máy thở với 250 nhân sự là y, bác sĩ và đội ngũ hậu cần hỗ trợ.
Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bình Dương được chia làm 2 khu, mỗi khu quy mô 3.000 giường bệnh. Tất cả việc quản lý tại đây đều được số hóa để giảm tải nhân lực, tránh quá tải trong quá trình vận hành. Số liệu sẽ được cập nhật 15 phút/lần, hệ thống camera giám sát có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.
Ông Dương Chí Nam – Cục phó Cục Quản lý môi trường cho biết: “Bệnh viện dã chiến 2 sẽ là nơi điều trị tầng 2 tức thu dung các bệnh nhân trung bình và nặng, trường hợp rất nặng sẽ được chuyển sang Bệnh viện dã chiến Becamex Bình Dương”.
Trước đó sáng ngày 24/7, Bình Dương đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng vắc-xin và ra quân phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong vòng 2 tuần.
Đã có 730 bệnh nhân ở Bệnh viện Dã chiến số 8 TP Hồ Chí Minh được xuất viện
Ngày 25-7, PGS-TS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đang tham gia điều hành tại Bệnh viện Dã chiến số 8 (khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP.Thủ Đức) cho biết: Công tác thu dung, chăm sóc bệnh nhân làm rất tốt. Bệnh viện bắt đầu nhận bệnh từ ngày 13-7. Đến ngày 25-7 đã có 730 bệnh nhân được xuất viện. Việc quản lý, thu dung bệnh nhân làm theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế. Tại đây đã có y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất; Bệnh viện Bình Dân và các lực lượng hỗ trợ khác.
Sau khi các ca khỏi bệnh xuất viện, Bệnh viện Dã chiến số 8 tiếp tục tiếp nhận các ca mắc mới. Với quy mô gần 4.000 giường, bệnh viện được trang bị phương tiện đủ sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ đến trung bình. Bệnh viện rất được quan tâm của lãnh đạo TP, Bộ Y tế.
Bệnh viện cũng thiết lập một bộ phận hồi sức tích cực để kịp thời điều trị những bệnh nhân trở nặng trong khi chờ đợi chuyển lên tuyến trên. Tại bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp lúc vào thì khỏe mạnh nhưng 4 tiếng sau thì suy hô hấp. Nhờ có đơn vị hồi sức tại chỗ mà bệnh nhân này đã được thở ô xy và xử lý kịp thời, không để chuyện đáng tiếc xảy ra, PGS-TS. Đỗ Kim Quế chia sẻ..
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại