Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế: “Không may có chuyện này xảy ra, dẫn đến vòng lao lý”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị VKSND đề nghị 7-8 năm tù |
Thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác
Tại tòa, đại diện VKSND khẳng định, trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng, cơ quan tố tụng không kết luận các loại thuốc giả của VN Pharma có vấn đề về chất lượng mà chỉ kết luận đây là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Heath 2000.
Kiểm sát viên nêu, thực tế cả Cty Helix Canada và Health 2000 Canada đều không được cấp phép sản xuất thuốc tại Canada, nhưng các bị cáo vẫn có thuốc giả để buôn bán. VKSND khẳng định, việc truy tố Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT Cty VN Pharma; Võ Mạnh Cường, cựu GĐ Cty H&C, cùng các nhân viên của hai DN này về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" là đúng.
Đối với nhóm nhân viên của Hùng và Cường, đại diện VKSND đồng ý với quan điểm trình bày của luật sư cho rằng, họ chỉ là những người làm công ăn lương, không hưởng lợi bất chính nên đề nghị HĐXX không truy thu tiền của họ từ việc bán thuốc giả.
Với quan điểm đối đáp của đại diện VKSND, luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng, nếu chỉ xem xét về mặt nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, mà không kết luận về mặt chất lượng thì phải đánh giá lại mức độ, hành vi sai phạm của bị cáo để tương xứng với mức án. Như hiện tại, mức án mà đại diện VKSND đề nghị với bị cáo Hùng 20 năm tù là quá cao.
Trước đó, nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Hùng, luật sư Nguyễn Đình Hưng kiến nghị HĐXX làm rõ thuốc giả của VN Pharma giả như thế nào, chất lượng của hàng giả đó ra sao và hậu quả của nó. Luật sư phân tích, thuốc của VN Pharma chỉ giả về mặt xuất xứ, không vi phạm quy định về chất lượng. Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã thu thập thông tin trên diện rộng tại các quốc gia và các cơ quan quản lý liên quan, song không thu được tài liệu nào chứng minh các loại thuốc giả trong vụ án đã gây ra hậu quả nào đó cho người tiêu dùng.
Về vai trò của cựu Chủ tịch Cty VN Pharma trong vụ án, luật sư cho rằng, Hùng và nhóm bị cáo tại DN này ở trong thế rơi vào "bẫy" của bị can Nguyễn Lê Xuân Khang (hiện bỏ trốn) và đối tác Raymundo (người Philippines). Hai người này chủ động tiếp cận Cty VN Pharma và đưa ra các giấy tờ con dấu giả về các thuốc. Từ đó, Hùng cùng nhân viên không ý thức được đây là giả vì ngay chính cán bộ Cục Quản lý dược cũng không thể phát hiện ra. Các giấy tờ này chỉ được phát hiện là giả khi CQĐT khởi tố, áp dụng các biện pháp khoa học pháp lý.
Phải đứng trước tòa là chua xót
Chiều 17/5, các bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Cty VN Pharma nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT Cty VN Pharma, giãi bày, đã nhận thức rất sâu sắc hành vi sai trái của mình và rất ăn năn. Bị cáo mong HĐXX tuyên bị cáo mức án nhẹ nhất để sớm trở về với xã hội. Bị cáo Võ Mạnh Cường, cựu GĐ Cty H&C, thừa nhận, phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật.
Đáng chú ý, bị cáo Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế nói, trước khi bị truy tố, là Thứ trưởng Bộ Y tế, nhưng sai phạm liên quan từ thời điểm bị cáo là Cục trưởng Cục Quản lý dược những năm 2008 - 2010. “Thời điểm đó, Cục có rất nhiều hồ sơ, khi mới lên, tiếp quản hệ thống văn bản pháp luật thời điểm đó rất đơn giản và thiếu. Những bị cáo thuộc Cục Quản lý dược phải làm việc trong điều kiện quá tải, trang thiết bị nghèo nàn dẫn đến sai sót” - bị cáo phân bua.
Cựu Thứ trưởng xin tòa giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo bởi họ từng làm việc trách nhiệm, mẫn cán. “Mong tòa làm sao cho họ mức án thấp nhất”, bị cáo Cường mở lời. Cũng theo bị cáo, sau khi vụ án khởi tố, ngành dược bắt đầu gặp khó khăn, các chuyên gia từ chối thẩm định, từ chối ký hợp đồng dẫn tới không có thuốc cho bệnh nhân điều trị nên bị cáo Cường mong tòa xem xét điều kiện khách quan, chủ quan, mức độ để cho các bị cáo hưởng mức phù hợp, tạo điều kiện cho ngành dược sớm hồi phục lại.
Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Việt Hùng cho biết, việc phải đứng trước tòa là chua xót. Bị cáo nhận thức được hành vi sai phạm của mình. Trong suốt quá trình điều tra, bị cáo Hùng đã hợp tác với CQĐT… nên mong được khoan hồng.
Các bị cáo cũng trình bày, nhận thức được sai phạm của mình, xin HĐXX xem xét cho sớm trở về với gia đình. Theo lời một số bị cáo này, họ có hoàn cảnh gia đình hết sức éo le, con nhỏ, cha mẹ già yếu…
HĐXX cho biết, tuyên án vào chiều 19/5/2022. Như đã thông tin, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý Dược và Hải quan, trong các năm 2008 - 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang, là người Việt Nam định cư tại Canada, có quốc tịch Canada, hiện đang bỏ trốn, đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng và ông Lê Văn Sơn, GĐ Cty CP Dược phẩm Trung ương II - Codupha, lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Cty Codupha, Cty TNHH Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex con) đứng tên xin cấp số đăng ký.
Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả nhưng do một số cán bộ của Cục Quản lý Dược thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt nên 7 loại thuốc gồm: Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.
Nguyễn Minh Hùng đã câu kết với Nguyễn Lê Xuân Khang, Võ Mạnh Cường cùng các nhân viên Cty VN Pharma, Công H&C và một số đối tượng khác thực hiện các thủ đoạn để mua bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh.
Trước nội dung bào chữa VN Pharma chỉ buôn bán hàng giả xuất xứ, không ảnh hưởng đến người bệnh và chất lượng thuốc, VKSND cho hay: "Health 2000 không sản xuất thuốc, Cty Helix của Raymundo cũng không sản xuất thuốc nhưng lại có thuốc của hai Cty này". Do đó, VKSND kết luận đây là thuốc không rõ nguồn gốc và giả nhãn mác Health 2000. Trong vụ án này, 4 loại thuốc bị làm giả đều không thu được mẫu nên không giám định được về chất lượng. Vì thế cáo trạng không kết luận các thuốc trên "giả về chất lượng". Về hậu quả, VKSND và CQĐT chỉ kết luận, hậu quả là số lượng thuốc với giá 1,2 triệu USD lên gần 2,6 triệu USD, được nhập khẩu vào Việt Nam. Thiệt hại được tính, hơn 31 tỷ đồng, là giá trị hàng hóa đã được buôn bán, còn Cty VN Pharma không có thiệt hại trong vụ án. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại