Thứ sáu 26/04/2024 06:24
Xét xử các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị Bệnh viện Bạch Mai:

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 20-1, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu
Các bị cáo tại toà.

Một bị cáo xin xử vắng mặt!

Cùng hầu toà có cựu cán bộ, nhân viên thuộc Bệnh viện Bạch Mai: Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó Giám đốc; Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán; Lý Thị Ngọc Thủy, Phó trưởng phòng tài chính kế toán.

Các bị cáo thuộc Cty Cty CP Công nghệ Y tế BMS - Cty BMS: Phạm Đức Tuấn, Giám đốc; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc. Bị cáo thuộc Cty CP Thẩm định giá VFS - Cty VFS: Trần Lê Hoàng, nguyên Thẩm định viên; Phan Minh Dung, nguyên Tổng Giám đốc.

Các bị cáo hầu tòa về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tòa án đã triệu tập 37 bị hại nhưng có 3 người có mặt gồm anh Nguyễn Đăng H, trú tại Hà Nội, bệnh nhân; bà Phạm Thị L, SN 1986, quê Nghệ An, có con trai bị mổ não và bệnh nhân Phạm Văn K.

Ngoài ra, tòa án cũng triệu tập những người liên quan gồm đại diện: Bệnh viện Bạch Mai (3 người nhận ủy quyền), Cty BMS (nay là Cty Năng lượng cuộc sống), Cty VFS (vắng mặt) và một số người liên quan.

Đáng chú ý, bị cáo Thủy có đơn xin vắng mặt vì bị ốm và có giấy xác nhận của bệnh viện. HĐXX đã chấp thuận đơn xin xét xử vắng mặt này của Thủy.

Mặc dù một số bị hại, người liên quan, bị cáo vắng mặt nhưng HĐXX xác định họ có đơn xin xét xử vắng mặt, đa số bị hại nhận bồi thường nên không ảnh hưởng đến quyền lợi.

Do đó, HĐXX vẫn quyết định xét xử vụ án. Tại toà, đại diện VKSND kết luận, Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên năm 2016, Phạm Đức Tuấn đã đến gặp Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh không đồng ý vì thủ tục phức tạp, nên hai bên thống nhất Cty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra.

Nguyễn Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Cty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế. Để có thể hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Cty thẩm định giá VFS.

Qua xác minh đã làm rõ, Cty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về Sân bay Quốc tế Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Trong vụ án này, VKSND xác định, bị cáo Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Cty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng.

Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm thực hiện. Cáo trạng thể hiện, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi, phối hợp với Cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận, Phan Minh Dung đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh

Không nhận hối lộ?

Trả lời HĐXX, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận trách nhiệm của mình khi là người đứng đầu và để xảy ra sai phạm.

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh trình bày, đã tin tưởng vào đơn vị thẩm định giá và việc liên danh liên kết nhằm mục đích mang lại lợi ích cho người bệnh, giúp người bệnh giảm chi phí, không phải ra nước ngoài điều trị với giá đắt và hoàn toàn không có vụ lợi.

Theo thỏa thuận, việc liên kết này Bệnh viện Bạch Mai được hưởng 50% và sau 7 năm máy sẽ là của bệnh viện. Như vậy, sau này giá điều trị còn thấp hơn nữa. Bị cáo cho rằng, chưa bao giờ có được thỏa thuận lợi như thế, hoàn toàn vì người bệnh và vì bệnh viện.

Về lợi ích riêng có được trong thỏa thuận liên kết với BMS, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai, các dịp lễ, Tết, bị cáo Phạm Đức Tuấn, cổ đông sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty BMS, có đến Bệnh viện chúc Tết Ban Giám đốc, các phòng ban, trong đó có bị cáo. Mỗi lần đến bị cáo Tuấn đưa 10- 20 triệu đồng, hoặc 1.000- 2.000 USD. Ông Quốc Anh cho rằng, đây là lễ Tết dân tộc và những ngày đó bệnh viện cũng đi chúc Tết các nơi nên không nghĩ đó là tiền tiêu cực.

Nhận có cầm tiền vào các dịp lễ, Tết nhưng cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, những việc mình làm là vì người bệnh, không có móc ngoặc, ăn chia. Tiền doanh nghiệp biếu Tết được tập hợp lại và đều chia một cách công khai.

“Tôi hôm nay đứng đây vô cùng đau đớn. Dù là tôi giao anh em làm, tin tưởng anh em rồi ký, nhưng việc này trách nhiệm đầu tiên là tôi. Tôi chỉ mong HĐXX xem xét khách quan, công tâm tất cả những cái tôi làm. Tôi không nhận hối lộ, số tiền tôi nhận là mấy năm tiền nhận vào dịp lễ, Tết nên mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cho chúng tôi được hưởng lượng khoan hồng, được đóng góp tiếp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của Nhân dân" - lời cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 20-1, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm hầu tòa
Đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Khởi tố Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm trong vụ “thổi giá” thiết bị y tế
Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Chúng tôi quyết chiến, quyết thắng”
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động