Thứ ba 29/10/2024 03:15

Cuộc chuyển giao sự sống từ người công nhân hiến tạng cho 4 người khác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 28/10, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông tin về cuộc chuyển giao sự sống từ bệnh nhân nam bị xuất huyết não sang 4 người bệnh khác nhờ nguồn tạng hiến.
Các bác sĩ trong ekip phẫu thuật Phút mặc niệm tri ân nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ trong ekip phẫu thuật dành phút mặc niệm tri ân nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng. Ảnh: BVCC

Theo đó, bệnh nhân nam là L.T.S (36 tuổi, trú tại Thanh Liêm, Hà Nam) làm công nhân lái máy xúc, có tiền sử khỏe mạnh. Chiều 16/10, anh bất ngờ thấy đau đầu dữ dội, tê bì chân tay, được đưa đi cấp cứu. Trên đường đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân S đã mất ý thức, hôn mê, co giật chân tay, ngừng thở, ngừng tim.

Tối cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng hôn mê. Ngay lập tức, người bệnh được cấp cứu tích cực, có nhịp tim trở lại, tái lập được tuần hoàn tự nhiên nhưng vẫn hôn mê sâu.

Bệnh nhân S được chuyển sang Trung tâm Đột quỵ để tiếp tục điều trị. Các bác sĩ đã áp dụng nhiều biện pháp để chống phù não, kiểm soát điện giải, kiểm soát thân nhiệt nhưng bệnh nhân không đáp ứng nên đã chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Hồi sức tích cực.

Sau 9 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân S vẫn hôn mê sâu, mất các phản xạ và có nguy cơ chết não. Qua nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, ê-kíp đã giải thích về tiên lượng của bệnh nhân với gia đình, trao đổi về ý nghĩa của việc hiến mô, bộ phận cơ thể mang lại sự sống cho những người bệnh khác. Gia đình đã bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng của bệnh nhân S để cứu người.

Hội đồng đã họp và đánh giá từng dấu hiệu, triệu chứng, thông số lâm sàng, cận lâm sàng theo đúng quy định. Đến 5h ngày 26/10, bệnh nhân được kết luận chết não.

Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế đã phối hợp phẫu thuật lấy tạng của bệnh nhân S để chuyển cho người nhận.

Trước ca mổ, Ban Giám đốc bệnh viện cùng tất cả y bác sĩ trong ê-kíp đã có những lời tri ân xúc động gửi tới bệnh nhân và người nhà.

Trái tim của nam bệnh nhân được vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế, gan chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, 2 quả thận được ê-kíp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sang triển khai ghép ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cho 2 người suy thận giai đoạn cuối.

Cuộc chuyển giao sự sống từ người công nhân hiến tạng cho 4 người khác
Trái tim của bệnh nhân S được các chiến sĩ CSGT Công an TP Hà Nội hộ tống vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế ghép cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Ảnh: T.Tiến - Chiến Thắng

Tối 28/10, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội thông tin về hành trình "hộ tống" vận chuyển một trái tim được hiến tặng từ Bệnh viện Bạch Mai tới Sân bay Nội Bài để chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời ghép cho bệnh nhân.

Quá trình ghép tạng phải khớp nối chặt chẽ, các quy trình không được phép sai sót một bước và thời gian phải trong "giờ vàng", bởi trái tim sau khi lấy ra khỏi cơ thể cần phải ghép càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong 6 giờ kể từ khi lấy khỏi lồng ngực người hiến, do vậy bệnh viện đã liên hệ với Phòng CSGT để đề nghị hỗ trợ.

Tiếp nhận thông tin, Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Đội Tuần tra dẫn đoàn, bố trí tổ công tác cùng ô tô chuyên dụng đến ngay Bệnh viện Bạch Mai để "hộ tống" giúp vận chuyển trái tim ra sân bay với tốc độ nhanh nhất.

Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa kíp dẫn đường và lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường, chưa đầy 20 phút từ Bệnh viện Bạch Mai, trái tim được hiến tặng đã đến Sân bay Nội Bài.

Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã hộ tống đưa đoàn cán bộ mang trái tim của bệnh nhân S ra sân bay Nội Bài; hãng hàng không Vietjet có chuyến bay kịp thời tới Bệnh viện Trung ương Huế ghép thành công cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối do bệnh cơ tim giãn, thời gian sống chỉ còn tính bằng giờ... trái tim hiến tặng vượt chặng đường dài đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời trong “giờ vàng”. Được biết, đây là ca ghép kỷ lục từ khi đặt quả tim vào lồng ngực đến khi trái tim bắt đầu đập trong lồng ngực bệnh nhân chỉ hơn 50 phút.

Nguồn tạng hiến từ một người chết não có thể kéo dài sự sống, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người khác. Đây là nghĩa cử cao đẹp cần được lan tỏa mạnh mẽ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ: ca hiến tạng thứ hai trong năm 2024 cứu sống 4 bệnh nhân
Côn trùng lạ xâm nhập vào tai do thói quen khi ngủ mà nhiều người mắc phải
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động