Thứ sáu 22/11/2024 04:26

Công tác tư pháp năm 2023: không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2023, trong công tác tư pháp, Bộ đã hoàn thành 439 nhiệm vụ có thời hạn, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Công tác tư pháp năm 2023: không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Ảnh: BTP

Năm 2023 không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành

Trong báo cáo tình hình tư pháp năm 2023 tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024 do Bộ Tư pháp tổ chức, ngành tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng; cải cách tư pháp; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2023, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 222 nhiệm vụ, đã hoàn thành 78 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 144 nhiệm vụ không có thời hạn, nâng tổng số từ đầu nhiệm kỳ đến nay lên 583 nhiệm vụ, đã hoàn thành 439 nhiệm vụ có thời hạn, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục thi hành án dân sự với các sở, ngành tiếp tục được quan tâm. Trong năm, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời 327 kiến nghị, đề xuất, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương (tổng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời 923 kiến nghị, đề xuất, đề nghị); đã tiếp nhận và trả lời 100% phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc thẩm quyền giải quyết.

Công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật được thực hiện hiệu quả. Xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương đã ban hành 3.763 VBQPPL cấp tỉnh, 2.523 VBQPPL cấp huyện và 1.750 VBQPPL cấp xã. Một số bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản như: Bộ Quốc phòng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Yên Bái, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh…

Cả nước tiếp nhận 90.522 vụ việc hòa giải; tổ chức 436.362 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 32.272.992 lượt người; tổ chức 10.936 cuộc thi cho hơn 11.480.199 lượt người dự thi; phát hơn 44 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đến nay, có 10.596 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 95.2%).

Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được lãnh đạo các cấp, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Năm 2023, các cơ quan THADS đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao.

Về tiền, đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao. Thực hiện, 38.371 vụ việc trợ giúp pháp lý, đã kết thúc 33.013 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 33.013 lượt người (tăng 19% so với với năm 2022)…

Năm 2024 và định hướng hết nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngành tư pháp đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện tốt công tác tư pháp, như: tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đổi mới mạnh mẽ tư duy, lề lối làm việc, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, đưa công tác tư pháp ngày càng phát triển bền vững; tiếp tục xây dựng, ban hành và tổ chức kịp thời các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ nhằm đảm bảo tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự. Ngoài ra, chú trọng công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra…

Công tác tư pháp năm 2023: không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành
Điểm cầu Hội nghị tại Hà Nội. Ảnh: H.T

Nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống

Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023, trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên đất nước ta đã vượt qua các trở ngại, đạt được kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Tư pháp.

Tuy các công việc của Bộ, ngành Tư pháp khó, nhiều, có yêu cầu cao về tính tức thời, tuy nhiên Bộ, ngành Tư pháp đã cố gắng đạt được những kết quả tích cực.

Theo Phó Thủ tướng, vị thế của đất nước đang đi lên, đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện. Điều này tạo áp lực cho ngành Tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó vai trò của Bộ Tư pháp là rất lớn, chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát văn bản chưa hoàn chỉnh.

Từ những nhận định trên, Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành tư pháp cần cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp thực hiện, tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải; trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Cùng với đó, cũng cần nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm.

Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần có giải pháp để cán bộ trong ngành yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành.

Cùng với đó, Bộ, ngành Tư pháp cũng cần làm tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, có chế độ phù hợp cho cán bộ làm công tác luật quốc tế bởi đây là lĩnh vực cực kỳ khó và nhạy cảm…

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, Bộ, ngành tư pháp sẽ quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu, giúp Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và đưa các chủ trương, chính sách này đi vào cuộc sống; tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy ngành tư pháp tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước…

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024 UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong công tác phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến các các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học... hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định; Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã họp phiên toàn thể về thẩm tra Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó đã khẳng định dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 6.

Ngày 10/11/2023, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã báo cáo Dự thảo Luật Thủ đô trước Quốc hội, 19 tổ đại biểu đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô. UBND TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hòa giải ở cơ sở được quan tâm đảm bảo thực hiện theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, đã tham mưu TP tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các hình thức tuyên truyền pháp luật với nội dung phù hợp, kịp thời phổ biến các VBQPPL mới của Trung ương, nhiệm vụ chính trị của TP; phối hợp với Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư pháp Triển khai thực hiện hiệu quả công tác tư pháp

Xác định, công tác tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội luôn quan tâm triển ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động