Cố tình không làm thủ tục sang tên khi mua xe có biển số đẹp ở tỉnh thành khác là phạm luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiếc xe với biển số đẹp được bán với giá 1,6 tỷ đồng |
Trả gấp đôi, gấp ba giá trị thực
Trong tháng 4, 5 vừa qua, từ ở Nghệ An đến Hà Tĩnh xôn xao câu chuyện những cá nhân bấm được biển số tứ quý. Ngay khi thông tin này được đưa ra, đã có nhiều người gọi điện, trả giá các xe kia gấp đôi giá trị chỉ để có cơ hội… sở hữu biển số đó. Cụ thể, ngày 14/4 một người đàn ông tại Nghệ An đã may mắn bấm được biển số xe 37A-999.99. Ngay sau đó, chủ chiếc xe nhận được nhiều lời gạ bán với giá lên tới 1,5 tỷ đồng trong khi giá trị thực của chiếc xe tầm 700 triệu. Cuối cùng, chiếc xe này đã được chuyển nhượng với giá 1,6 tỷ.
Tiếp đó ngày 15/4, tại Hà Tĩnh, biển số ôtô ngũ quý 4 đã được đăng ký thành công cho chiếc xe mang nhãn hiệu Hyundai, loại xe Creta. Cũng ngay lập tức, chiếc xe được nhiều người trả giá 1,4 tỷ đồng. Ngày 18/5, cũng tại Hà Tĩnh, một chiếc xe có giá khoảng 700 triệu đã được trả giá 1,7 tỷ đồng chỉ bởi chiếc xe có biển số 456.78.
Các câu chuyện như vậy không hiếm từ trước đến nay. Các chủ xe may mắn bấm được biển số xe ngũ quý, tứ quý, số tiến… hoặc đuôi 68, 688 luôn được săn lùng và trả giá rất cao so với giá trị thực. Có những vụ chuyển nhượng thành công, tuy nhiên cũng có những chiếc xe được giữ lại như lưu giữ may mắn cho gia chủ. Anh Nguyễn Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, thời gian trước anh có mua một chiếc xe máy để đi lại. Khi bấm biển, chiếc xe máy của anh may mắn được tấm biển có đuôi 668.
“Ngay khi tôi đóng biển vào xe, đã có người ra bảo tôi để lại chiếc xe cho họ với giá gấp đôi. Tuy nhiên tôi cho rằng việc có được tấm biển đó ít nhiều cũng đã mang lại may mắn cho tôi thế nên tôi không bán” – anh Đức cho biết.
Không chỉ là để sở hữu những may mắn, xe biển số đẹp đơn giản chỉ để… “người khác trầm trồ” như anh Trần Thanh Bình (Hoàng Mai): “Tôi thích biển số đẹp không phải nó đem lại may mắn hay phong thủy, chỉ đơn giản là chỉ bởi khi đi một chiếc xe có biển số đẹp thì được nhiều người để ý. Khi bán xe giữ giá hơn với 1 chiếc xe có biển số thông thường khác” – anh Bình nói.
Về việc này, có nhiều lý giải cho rằng, việc biển số đẹp xuất phát từ quan niệm truyền thống, không có một thước đo hay khái niệm cụ thể. Tuy nhiên, về câu chuyện số đẹp, số xấu có tác động đến cuộc sống cũng như vận mệnh người dùng thì chị Hà Quyên (quận Hà Đông) lại cho rằng, điều ấy không đúng.
“Tôi cho rằng con số không quyết định vận mạng của con người. Và con số đẹp cũng không có “quy định” chung. Đơn cử như người miền Bắc thích con số 9, còn người miền Nam lại thích con số 9. Thế thì con số nào mới là đẹp. Cũng vậy với con số 49, 53. Các con số này xuất phát từ câu nói “49 chưa qua, 53 đã tới” là vận hạn ở 2 độ tuổi của con người mà cha ông đã đúc kết. Tuy nhiên nếu áp vào con số thì cái này lại không đúng. Tôi có nghiên cứu về phong thủy, con số 53 không phải là xấu, bởi trong phong thủy, số 53 thuộc năng lượng hỏa. Vậy những người thuộc mệnh thổ sẽ rất phù hợp với con số này theo luật tương sinh của phong thủy” – chị Quyên quan điểm.
Cố tình không khai làm thủ tục sang tên là hành vi “lách luật”
Việc bỏ một số tiền quá lớn chỉ để sở hữu biển số đẹp theo Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) là một hành vi lách luật. Theo đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công. Nghị định 151/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 2 Điều 105 đã chỉ rõ: Kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải thuộc kho số phục vụ quản lý của nhà nước.
Cũng tại khoản 3, Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có quy định, Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước. Như vậy, dãy số trong biển số phương tiện giao thông là tài sản công và chịu sự quản lý của Nhà nước. Và tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nghiêm cấm “Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng”…
Còn chuyện mua xe để sở hữu biển số, theo quy định hiện hành, chủ xe bán xe cho người khác thì người mua xe chỉ có quyền giữ lại biển số cũ nếu là người cùng tỉnh, thành. Còn trường hợp sang tên xe cho người khác tỉnh, TP thì biển số xe sẽ được thu hồi và chủ sở hữu mới của xe sẽ được cấp biển số mới. Trong thực tế, nhiều trường hợp bán xe cho người khác tỉnh nhưng chủ xe không làm thủ tục sang tên với mục đích giữ lại biển số đã mua. Đây được coi là hành vi “lách luật”, nhằm sở hữu biển số như mong muốn. Tuy nhiên, hành vi này gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông trong hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm.
Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký biển sổ. Còn trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người chủ sở hữu xe sẽ phải chịu phạt từ 400 – 600 đồng đối với xe máy và 2 – 4 triệu đồng đối với xe ô tô nếu không thực hiện việc sang tên đổi chủ và buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên, đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại