Có một nghề chỉ vui khi “thất nghiệp”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBác Vũ Đức Nhân chia sẻ về công tác hòa giải. |
Tham gia công tác hòa giải từ năm 2000 sau khi về hưu, cơ duyên đến với công việc này của bác Nhân cũng là một sự tình cờ. Trước đây, bác Nhân từng công tác tại tổng công ty chăn nuôi miền Nam và còn là Bí thư Đảng ủy của công ty. Sau khi về hưu thì bác lại tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Ngoài việc giữ sự năng động của mình không bị "hẫng" khi về già thì lý do chính khiến bác Nhân lựa chọn tiếp tục cống hiến thay vì nghỉ ngơi cũng được bác chia sẻ: “Mình cũng là người có kinh nghiệm, về địa phương giúp gì được cho địa phương thì giúp, đặc biệt là cho khu dân cư của mình. Tôi nghĩ đó là cái quan trọng, cho nên cũng tích cực tham gia. Tôi tham gia cấp ủy và làm thêm nhiệm vụ tổ trưởng tổ hòa giải vì mình vừa làm bí thư, vừa làm tổ trưởng thì lời nói của mình sẽ có trọng lượng hơn.”
Chỉ với hai lý do ấy, thế nhưng gần 20 năm giữ chức tổ trưởng tổ hòa giải, bác Nhân đã giúp cho cộng đồng dân cư số 9 giải quyết biết bao mâu thuẫn, hiềm khích và trên hết là nâng cao được tình đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau giữa mọi người. Đến nỗi chính bác phải nói đùa rằng 2 năm gần đây mình cảm thấy như bị thất nghiệp vậy.
Bác Nhân đã từng nhận được bằng khen của Bộ Tư pháp vì có những đóng góp tích cực cho lĩnh vực tư pháp và hòa giải. Không những thế, sau mỗi báo cáo hàng năm bác và tổ công tác cũng đều được quận khen ngợi.
“"Dĩ bất biến ứng vạn biến" để "biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”, đây là phương châm mà các bác quán triệt. Làm thế nào người ta thấu hiểu, người ta không vượt cấp. Cho nên tổ dân phố số 9 hơn 500 hộ, trong những năm tổ hòa giải hoạt động tôi thấy tốt lên rất nhiều”, bác Nhân tự hào chia sẻ về sự thay đổi tích cực của địa phương khi có tổ hòa giải.
Để đạt được những sự thành công này, theo bác Nhân, đầu tiên, chính mình phải là một tấm gương tốt, có sự uy tín, đáng tin. Tiếp theo đó là cách giải quyết, can thiệp của mình, ngoài việc dựa trên những nguyên tắc đã có sẵn, cần phải chia sẻ một cách chân thành, thật tâm. Bởi vì chỉ khi thấu tình đạt lý như thế, người ta mới lắng nghe, tán thành và đồng ý với cách giải quyết của mình.
Bác Nhân cho biết, đa số các vụ việc cần được hòa giải tại khu dân cư mà bác phụ trách đều phát sinh từ những xích mích, mâu thuẫn đến từ mối quan hệ gia đình và hàng xóm như vụ việc một cụ ông khó chịu với vợ do vấn đề kinh tế, viện cớ về đánh vợ, cụ bà cầu cứu tổ hòa giải thì chỉ cần các bác vào cuộc qua nói chuyện là ổn thỏa ngay.
Tuy nhiên cũng có những vụ việc lớn hơn, đó là trường hợp hai vợ chồng tranh chấp tài sản, dẫn đến con tự tử, may mắn là không sao, các bác đã phải tới, nó lý, nói tình, khuyên giải mãi, thì hai vợ chồng mới nghe và chấp thuận ra tòa ly hôn phân chia tài sản theo thỏa thuận, không còn hành vi đấu đá, tranh chấp nữa. Hầu hết các vụ việc đều đã được giải quyết êm đẹp do sự hợp lý của tổ hòa giải và mọi người đều rất hợp tác, thấu hiểu lẫn nhau.
“Địa phương yên bình, hòa thuận, chia sẻ với nhau, không có các kiện tụng thì đó là cái thành công trước tiên. Dân tốt, dân yên, dân ủng hộ thì đó là cái thành công tiếp theo. Chỉ mong sao trên dưới đoàn kết để những sự việc xảy ra đều được xử lý êm đẹp”, bác Vũ Đức Nhân tâm sự.
“Bằng khen về công tác hòa giải rất ý nghĩa với cuộc đời tôi” | |
Hòa giải viên - người “hóa giải” mâu thuẫn vợ chồng | |
Hóa giải mâu thuẫn đất đai nhờ phân tích cái lý, cái tình |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại