Hòa giải viên - người “hóa giải” mâu thuẫn vợ chồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCô Nguyễn Thị Phương (trái) tham gia công tác xã hội, tặng quà cho người dân kho khăn giữa đại dịch Covid-19 |
Dù vợ chồng có yêu nhau thắm thiết, thì nhiều lúc vẫn xảy ra những bất hoà. Những bất hoà đó có thể làm cho tình yêu bị sói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tai hại. Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn và tình yêu mỗi ngày một thêm triển nở.
Như câu chuyện của vợ chồng anh K và chị N: Hàng ngày, chị N ở nhà làm may mặc và bán hàng, còn anh K thì lái xe ô tô chở hàng thuê. Hai vợ chồng có cuộc sống hạnh phúc với 3 đứa con khỏe mạnh, chăm ngoan. Thế rồi, vào một đêm anh K đi uống rượu về lại nổi hứng muốn nghe nhạc nhưng bật loa to quá mức.
Chị N bực tức bảo chồng vặn nhỏ loa để cho các con ngủ, lời qua tiếng lại, có hơi men trong người anh K lao vào đánh vợ. Bị chồng đánh, chị N kêu ầm lên. Ở sát vách, nghe tiếng con gái kêu la, bà T mẹ đẻ chị N chạy sang xem sự tình. Lúc này, chị N đưa con sang nhà ngoại rồi quay về thì anh K lớn tiếng chửi bới.
Thấy vậy, mẹ chị N nói “mày chửi thế là mất dạy”, anh K liền xông vào đẩy chị N và mẹ ngã xuống đất. Sau đó, 2 vợ chồng anh K lao vào đánh nhau, cào cấu nhau rách mặt. Bà T kêu gào, nghe thấy vợ kêu, ông H cũng chạy sang rồi gọi Công an phường Hà Cầu đến giải quyết.
Đêm hôm ấy, anh K ở lại trụ sở Công an phường vì về nhà sợ lại tiếp tục mâu thuẫn vì ai cũng đang trong tình trạng căng thẳng. Biết chuyện, sáng hôm sau cô Nguyễn Thị Phương, tổ viên tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1, phường Hà Cầu đã gặp chị N để phân tích, khuyên nhủ. Chị N bực tức nói rằng “cháu đã viết đơn ly hôn rồi, chỉ chờ ký nữa là xong. Cháu không thể chấp nhận được việc chồng chửi cả bố mẹ cháu…”.
Biết tâm trạng của chị N đang vô cùng bức xúc và buồn tủi vì chuyện gia đình không hay xảy ra. Cô Phương đã dùng những lời nói nhẹ nhàng, động viên, xoa dịu cơn bức xúc của chị N. Đồng thời cũng dùng những lý lẽ phân tích cho chị N hiểu, bình thường K là một người chồng, một người bố tốt và cũng là người con rể biết trên biết dưới.
Tuy nhiên, lúc có hơi men trong người lại nóng nảy nên mới xảy ra cớ sự như vậy. Mình là vợ thì những lúc như thế mình nên nhịn, để khi nào chồng tỉnh táo rồi nói chuyện. Chắc chắn giờ K đã rất hối hận việc mình đã làm. Nếu giờ chị N mà làm căng lên thì chỉ có gia đình mình thiệt... Song, chị N vẫn một mực đòi ly hôn.
Cùng ngày, cả nhà chị N dắt nhau lên phường nhưng giải quyết không xong, Công an phường đã gọi cô Phương cùng tổ hòa giải số 2 đến trụ sở để làm công tác hòa giải. Tại đây, có mặt vợ chồng anh K, chị N và vợ chồng ông H, bà T. Cô Phương phân tích rằng, vợ chồng chị N cần phải giữ hạnh phúc cho 3 đứa con. Đừng để một phút nóng nảy mà để gia đình đổ vỡ, các con bơ vơ khi còn nhỏ tuổi như thế.
Phụ nữ một mình nuôi con không hề đơn giản, bố mẹ tuy ở gần nhưng tuổi đã xế chiều, mình cũng không dựa dẫm mãi được nên hai vợ chồng cố gắng. Khi không còn gì cứu vãn thì ra tòa. Bây giờ vẫn còn cứu vãn được thì hãy hiểu và tha lỗi cho nhau để vợ chồng lại hạnh phúc như trước.
Sau khi nghe cô Phương phân tích, chia sẻ vợ chồng anh K, chị N cũng nguôi ngoai hơn. Lúc này, tổ trưởng TDP hỏi vợ chồng ông H có tha thứ cho con rể không thì ông H và bà T đồng ý bỏ qua mọi chuyện để các con vui vẻ, hòa thuận. Và tiếp tục hỏi chị N có tha thứ cho chồng không, chị N nói rằng “các bác, các cô đã phân tích có tình, có lý như vậy, cháu cũng đã hiểu ra mọi chuyện và đồng ý tha lỗi cho chồng cháu”.
Lúc này, mọi căng thẳng của các thành viên trong gia đình đều đã được hóa giải. Tổ hòa giải cũng có đôi lời với anh K, bố mẹ và vợ đã tha thứ thì về không rượu chè nữa, phải biết chăm lo cho vợ con, phụng dưỡng bố mẹ… Anh K nhận lỗi và cũng đã nói lời xin lỗi với bố mẹ và vợ trước mặt mọi người.
Từ đó đến nay, gia đình êm ấm, anh K đi làm tối về chơi với con và dạy con học bài, thi thoảng chở vợ con đi chơi. Thấy gia đình nhỏ ríu rít bên nhau hạnh phúc như vậy, những người làm công tác hòa giải như cô Phương cũng cảm thấy ấm áp.
Sau nhiều năm làm công tác hòa giải cơ sở, bản thân cô Phương đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp, mang lại niềm vui hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Cô Phương chia sẻ: Những vụ việc mâu thuẫn tình cảm vợ chồng thì chủ yếu là nói chuyện bằng tình cảm để hòa giải. Hòa giải viên cần phải linh hoạt trong lúc hòa giải, lúc phải cứng rắn, lúc phải mềm dẻo nhưng không gây căng thẳng cho các bên. Vì họ đang mâu thuẫn thì mình phải nói làm sao để xoa dịu cơn căng thẳng cho họ thì họ mới nghe lời mình nói. Phân tích có lý, có tình thì các bên sẽ dần hiểu ra.
Còn thông thường để hòa giải thành, trước khi hòa giải, hòa giải viên cần tìm hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà các bên hướng tới, trọng tâm là lợi ích cốt lõi. Tìm hiểu các quy định pháp luật vận dụng trong quá trình hòa giải và khả năng đáp ứng lợi ích của mỗi bên.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại