Chủ nhật 28/04/2024 20:51
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV:

Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đồng Dân tộc cho rằng, cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện…
Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Quochoi

Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 16/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù: về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm; về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; về cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa.

Về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; về cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm thấy rằng, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quan tâm đến cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, hiện Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước chưa có quy định cụ thể về bố trí vốn đầu tư công tự cân đối của địa phương để ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Chính phủ đề xuất chính sách trên để cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… tương tự chính sách quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đa số các ý kiến đều thống nhất và cho rằng, quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp, để tăng vốn cho vay ưu đãi.

Hội đồng Dân tộc nhất trí với đề xuất của Chính phủ với chính sách này, và thấy rằng nguồn cấp ngoài các quy định bao gồm, vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và cần xác định rõ thêm nguồn các khoản, mục dư vốn không thực hiện được từ các chương trình mục tiêu cần được sắp xếp, điều chỉnh.

Đặc biệt, đối với các địa phương dư vốn do không còn đối tượng (do độ trễ chính sách), cần tăng tỷ lệ bổ sung cho ngân hàng chính sách từ khoản dư trên để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như bảo đảm công bằng giữa các địa phương. Vì hầu hết các tỉnh vùng miền núi vùng dân tộc thiểu số đều không có khả năng cân đối từ các nguồn hiện có.

Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm. Ảnh: Quochoi

Cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Hoặc với cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, việc thực hiện chính sách này là triển khai nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 100/2022/QH15. Dự thảo của Chính phủ đã tiếp thu Báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT, ý kiến của UBTVQH và sửa theo hướng giao cho cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất và giao cho cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nội dung phân cấp đối với cấp huyện.

Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Với phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này.

Có ý kiến cho rằng cũng nên cân nhắc đối với sự cần thiết thực hiện chính sách này, vì hiện nay thời gian thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất ngắn và các đánh giá tác động chưa được đầy đủ. Vì vậy, có thể quy định nguyên tắc để thực hiện cho giai đoạn sau.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Ưu tiên khu đất có vị trí thuận lợi nhất làm khu tái định cư Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Ưu tiên khu đất có vị trí thuận lợi nhất làm khu tái định cư
Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động