Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuốc hội tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi |
Luật hóa để xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp, nghiên cứu, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các ĐBQH, ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Trước khi các đại biểu tiến hành thảo luận một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Điều hành nội dung làm việc buổi chiều, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Góp ý vào Điều 10 của dự thảo luật Về trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật khác.
Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng cần nghiên cứu luật hóa để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng như các phương tiện thông tin đã phản ánh thời gian qua.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quochoi |
Không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm
Còn đại biểu Phạm Văn Thịnh đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tuy nhiên tại kỳ họp này, đại biểu đã nhắc lại ý kiến của mình về hai kỳ họp trước về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ.
Nhắc lại nội dung phát biểu của mình trước đây, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu. Tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu bổ sung thêm thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng 1 công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng thương mại đã có số bảo hiểm mà khách hàng đã hủy năm đầu tiên đã là 2000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.
Chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại. Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh bảo hiểm phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quochoi |
Giữ tỷ lệ sở hữu tối đa tại tổ chức tín dụng như quy định hiện hành
Còn đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Điều 63 của Dự thảo Luật đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng so với quy định hiện hành. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của tổ chức giảm từ 15% xuống 10%, nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15% (Khoản 2, 3 Điều 63 dự thảo). Sự thay đổi này, cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan, được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho các ngân hàng.
“Tôi cho rằng, mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này.” – đại biểu Võ Mạnh Sơn phát biểu.
Bởi theo đại biểu, tỷ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% như tại Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống.
Như vậy, quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7/2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra tại một số ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu cao dễ dẫn đến xung đột lợi ích, khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào cho các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó mới gây mất an toàn cho ngân hàng.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV | |
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Ưu tiên khu đất có vị trí thuận lợi nhất làm khu tái định cư |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại