Chưa trang bị sẵn sàng khi… “chơi sân” quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó thể hiểu Quốc ca không có bản quyền, nhưng bản ghi Quốc ca được dùng trong trận Việt Nam - Lào thì do đơn vị sản xuất nắm giữ bản quyền |
Phân định rõ các loại quyền đối với một tác phẩm
Tối 6-12-2021 tại trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Suzuki Cup 2020 trên kênh Youtube đã bị tắt tiếng và hiện dòng chữ “vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.
Chính điều này đã làm cho rất nhiều người hâm mộ bức xúc vì Quốc ca của Việt Nam bị đánh bản quyền. Được biết, bài hát Tiến quân ca đã được cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca. Và các đơn vị này cho biết, họ đã đăng ký và sở hữu bản quyền với bản ghi bài “Tiến quân ca” trên Youtube.
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung, quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả được định nghĩa như sau: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Có thể thấy, quyền tác giả của Quốc ca thuộc về cố nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, ông đã trao quyền tác giả cho Nhà nước và Nhân dân. Do đó, đây được xem là quyền của toàn dân, ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải xin phép.
Còn các bản ghi, cuộc biểu diễn, ghi hình, chương trình phát sóng… của cá nhân, tổ chức khác là quyền liên quan đến quyền tác giả. Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, nhà sản xuất, ghi âm, ghi hình có quyền sau đây: Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây: Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng. Như vậy, nếu cá nhân, tổ chức sử dụng các bản ghi Quốc ca của các đơn vị sản xuất thì phải xin phép các đơn vị này bởi họ có quyền liên quan đến bản ghi bài hát này.
Tóm lại, có thể hiểu Quốc ca không có bản quyền (bản quyền của toàn dân, ai cũng có thể sử dụng mà không cần xin phép), nhưng bản ghi Quốc ca được dùng trong trận Việt Nam - Lào thì do đơn vị sản xuất nắm giữ bản quyền, hiện nay là BH Media.
Nên chấm dứt việc đi mượn tác phẩm bằng "miệng"
Trước đó, vào cuối tháng 10-2021, dư luận cũng xôn xao khi nhạc sỹ Giáng Son bị nhắc nhở về bản quyền đối với chính “con đẻ” của mình là ca khúc “Giấc mơ trưa”. Vụ việc này khi phân tích trên phương diện luật pháp ra thì gần như các bên liên quan đều “non chứng cứ”. Theo chia sẻ từ nhạc sĩ Giáng Son, vào cuối tháng 9-2021, chị đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” (do ca sỹ Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube. Đây là sản phẩm nằm trong album được phát hành từ năm 2007, do chính Giáng Son làm nhạc, phối khí.
Tuy nhiên, sau đó, kênh của Giáng Son nhận được thông báo khiếu nại bản quyền liên quan đến video này. Theo thông báo từ hệ thống Youtube, video do Giáng Son đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh (thuộc sở hữu của BH Media và Hồ Gươm Audio). Nhưng Giáng Son khẳng định không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào.
BH Media thì lí giải: “Tác giả của ca khúc “Giấc mơ trưa” đã cẩn thận chuẩn bị một bản ghi - thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh Youube riêng của mình. Nhưng vì trên YouTube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã up lên trước đó, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.
Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau, và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của Giáng Son.
Chỉ cần nhạc sĩ làm thao tác phản hồi, là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Do đó, việc Giáng Son dùng từ “đánh gậy bản quyền” với trường hợp của chị là chưa chính xác.
Còn nhạc sỹ Giáng Son cho biết: “Bản ghi mà BH Media dùng để xác nhận bản quyền là bản ghi “Giấc mơ trưa” - Dương Thùy Anh. Dương Thùy Anh sử dụng tác phẩm “Giấc mơ trưa” của Giáng Son nhưng chưa xin phép tác giả là xâm phạm quyền tác giả, sử dụng bản phối thuộc sở hữu của nhạc sĩ Giáng Son, cover thêm nhạc cụ là đàn nhị nhưng chưa xin phép tác giả là xâm phạm quyền liên quan.
Nhạc sĩ Giáng Son cũng cho rằng, việc BH Media đổ tại YouTube quét là sai. Rõ ràng là BH Media đặt content ID khi không có quyền (vì Dương Thùy Anh mượn, xin mà không hề có hợp đồng nào hết) BH Media chỉ được phép bật khi Dương Thuỳ Anh là chủ sở hữu độc quyền đối với phần phối khí đó. Về quyền thì có 2 quyền: Quyền tác giả - tôi không có hợp đồng gì với Dương Thuỳ Anh. Quyền hòa âm phối khí – Dương Thuỳ Anh xin từ người phối khí của tôi”.
Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định rằng, người làm ẩu, sai đầu tiên trong sự việc này là Dương Thùy Anh. Phía BH Media chịu trách nhiệm liên đới vì không xác minh rõ quyền tác phẩm. Có lẽ, đã đến lúc các nghệ sỹ và các Cty kinh doanh nghệ thuật nên dừng việc đi xin, đi mượn tác phẩm bằng “mồm”. Bất kỳ hành vi nào liên quan đến quyền tác giả, quyền tác phẩm nên có văn bản thỏa thuận rõ ràng. Sau này có tranh chấp cứ “giấy trắng mực đen” mà xét.
Về việc cá nhân, tổ chức khi đăng tải, sử dụng các bản ghi của các nhà sản xuất âm nhạc không xin phép có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 28 hoặc Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng: Sử dụng bản ghi bài hát đã công bố nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, khu du lịch, cửa hàng, siêu thị mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, nhà sản xuất âm nhạc; Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng: Dùng bản ghi bài hát đã công bố nhằm mục đích thương mại mà không trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả, nhà sản xuất âm nhạc; Phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng: Dùng bản ghi bài hát đã công bố nhằm mục đích thương mại tại quán karaoke, Cty bưu chính, trên mạng mà không trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả, nhà sản xuất âm nhạc; Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng: Phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền, của nhà sản xuất… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại