Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất giải pháp để cán bộ dám nghĩ, dám làm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Đề xuất sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Tham luận tại hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề xuất 2 kiến nghị với Chính phủ. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP kiến nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật để rút ngắn thời gian ban hành các Nghị định, các văn bản Luật sửa đổi để ban hành kịp thời với yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề khi thực trạng cán bộ còn khá e dè, thận trọng trong quá trình tham mưu để trình văn bản cho cấp trên quyết định, vì ai cũng lo cho an toàn của mình.
Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định để lý giải rõ điều này, trong đó nhấn mạnh người đứng đầu, người quyết định mới là người chịu trách nhiệm, có như vậy cán bộ cấp dưới mới dám nghĩ dám làm, tạo được những kết quả bứt phá trong công việc.
“Nếu không giải quyết được việc này, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm với công việc sẽ vẫn còn tiếp diễn” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
99,98% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, trước hạn
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết TP Hà Nội đã chính thức nhập 2 Ban chỉ đạo của thành phố là Ban chỉ đạo cải cách hành chính và Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành một Ban chỉ đạo. Bên cạnh đó, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện quyết tâm cả hệ thống chính trị vào cuộc trong cải cách hành chính và chuyển đổi số.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội. |
Kết quả cụ thể, quý 1/2023, UBND TP đã thông qua phương án đơn giản hóa 65 thủ tục hành chính (TTHC); ban hành 40 Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ; ban hành 27 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Các Quyết định công bố danh mục TTHC sau khi ban hành, đã được công khai trên Công Dịch vụ công quốc gia, Cổng Giao tiếp điện tử của Hà Nội và các địa điểm để người dân dễ tiếp cận…
Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã được Thành phố chỉ đạo đổi mới theo hướng điện tử thống nhất trên toàn Thành phố, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện trên Công Dịch vụ công quốc gia 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai từ - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”.
Việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ cao, tổng số hồ sơ TTHC đã giải quyết năm 2022 đạt 99,98%.
Việc tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức được Thành phố đặc biệt quan tâm, Thành phố đã thành lập kênh zalo dễ tiếp nhận phản ánh kiến nghị (PAKN). Trong năm 2022 và quý I/2023, tổng số phản ánh, kiến nghị của Thành phố đã tiếp nhận 2.725 phản ánh, kiến nghị, đã xử lý xong 2.700 PAKN, đạt tỷ lệ 91,74%.
Việc xây dựng quy trình giải quyết TTHC liên thông và giải quyết công việc nội bộ được chú trọng, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan hành chính thuộc TP Hà Nội.
Tinh đến nay, các sở, ban, ngành Thành phố đã ban hành 305 quy trình; cấp huyện ban hành 1.688 quy trình và 111 quy trình liên thông; cấp xã ban hành 3.755 quy trình; công bố 81 thủ tục hành chính nội bộ…
Thực hiện chuyển đổi số trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, Thành phố ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 12/7/2021 và Kế hoạch số 259/KH-UBND ngày 19/11/2021 về số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội. Đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện số hóa. Một số cơ quan, đơn vị đã triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, tổ dân phố tại một số các quận, huyện.
Thành phố đã chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc, tích hợp 70% TTHC đủ điều kiện tích hợp trên Công Dịch vụ công quốc gia; ban hành Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền thủ tục hành chính trong đó ủy quyền 708 TTHC/1.892 TTHC, đạt 37,4%, vượt chỉ tiêu tối thiểu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 17,4%.
“Đây là một trong những việc khó của thành phố đã làm được trong thời gian qua vì phải chuyển đổi nhận thức của cán bộ cho đến tổ chức triển khai. Điều này đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục làm tốt công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính trong năm 2023.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Đề án 06 là khâu đột phá của chuyển đổi số | |
Ban hành nghị quyết xác nhận kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại