Thứ sáu 26/04/2024 00:22
Vụ tai nạn lao động tại một cơ sở chế biến gỗ ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam:

Chủ cơ sở chế biến gỗ bị tố thiếu trách nhiệm với người lao động sau tai nạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù cơ sở chế biến gỗ có nhiều sai phạm nhưng vẫn bất chấp pháp luật tiếp tục hoạt động dẫn đến một vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến một công nhân bị bỏng toàn thân. Chủ cơ sở chế biến gỗ này còn bị tố bỏ mặc công nhân sau tai nạn.
Nạn nhân
Anh Hoàng Định Công tố chủ cơ sở chế biến gỗ bỏ mặc người lao động sau tai nạn với phóng viên Pháp luật & Xã hội.

Gửi đơn thư tới Pháp luật & Xã hội, bà Dương Thị Thủy, trú tại phường Châu Sơn, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam phản ánh, khoảng tháng 9/2021, con trai bà là anh Hoàng Đình Công, SN 1996, đến làm thuê cho cơ sở chế biến gỗ tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam theo lời giới thiệu của ông Đỗ Tiến Thuật. Cơ sở chế biến gỗ này do ông Đoàn Thanh Tùng làm chủ.

Ngày 4/8/2022, trong khi đang làm việc tại xưởng, lúc kiểm tra bồn nghiền chứa nguyên liệu mùn gỗ thì bất ngờ gặp sự cố. Bồn chứa gỗ nghiền phát nổ làm hơi nóng và mùn gỗ bao trùm vào người anh Công gây bỏng toàn thân. Anh Công được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cấp cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bỏng quốc gia điều trị. Theo chẩn đoán của Bệnh viện Bỏng quốc gia, anh Công bị bỏng hơi nóng 41% độ II, độ III ở vùng mặt, cổ, bụng, lưng, hai tay, hai chân…

Tiếp xúc với phóng viên tại một ki-ốt lụp xụp chỉ rộng chừng 10m2, nằm trong khu chợ Mỏ đã xuống cấp nghiêm trọng, thuộc phường Châu Sơn, anh Hoàng Đình Công chia sẻ, ki-ốt này là nơi ở duy nhất của gia đình anh. Sau khi bố mẹ ly hôn, hai mẹ con anh chuyển ra sinh sống tại ki-ốt nằm ngay trong chợ. Trước kia, mẹ con anh làm và bán vàng mã để kiếm đồng rau cháo sống qua ngày. Sau khi lập gia đình, thương mẹ và vợ vất vả, anh Công quyết tâm tìm việc làm để gánh vác gia đình. Sau khi xảy ra tai nạn một thời gian, vợ chồng anh Công cũng chia tay.

Khoảng tháng 9/2021, anh Công được ông Thuật mời đi làm việc tai cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng. Ban đầu, anh Công làm công việc nghiền gỗ. Do biết chút ít về lĩnh vực cơ khí nên anh Công được giao sửa chữa máy móc. Suốt nhiều tháng làm việc tại đây, chủ cơ sở chế biến gỗ của ông Đoàn Thanh Tùng không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm, không phát quần áo bảo hộ lao động cho anh Công theo quy định của pháp luật.

Nạn nhân bị bỏng toàn thân nhưng chủ cơ sở chế biến gỗ
Nạn nhân bị bỏng toàn thân được điều trị tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.

“Sáng ngày 4/8/2022, bồn chứa gỗ ghiền bị hỏng nên tôi tiến hành sửa chữa. Sửa xong, tôi về nhà ăn cơm và nghỉ trưa. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, tôi ra kiểm tra thì thấy bồn chứa gỗ nghiền có khói bốc ra, sau đó phát nổ. Hơi nóng và mùn gỗ đang cháy bao trùm lên toàn thân khiến tôi bị bỏng nặng. Lúc xảy ra sự việc, trong xưởng có khoảng 5-6 công nhân đang làm việc”, anh Công nhớ lại.

Còn bà Dương Thị Thủy cho biết, sau khi xảy ra sự việc, chủ cơ sở chế biến gỗ không đưa đi cấp cứu mà lại đưa về nhà, rồi bỏ mặc sự sống chết của con trai bà. “Ông Thuật đưa con trai tôi về nhà, bảo gia đình tôi tự cứu chữa rồi bỏ đi luôn. Còn vợ ông Thuật thì nói gia đình tôi cứ đưa Công đi cứu chữa, hết bao nhiêu tiền thì vợ chồng ông Thuật sẽ lo. Sau vài ngày điều trị tại bệnh viện, ông Thuật cho người mang 5 triệu đồng đưa cho tôi được 2 lần. Chính vì họ quá thiếu trách nhiệm, bỏ mặc sự sống chết của con trai tôi, cùng với việc họ không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm cho con tôi nên tôi đã trình báo sự việc tới CA huyện Thanh Liêm để vào cuộc điều tra”, bà Thủy cho hay.

Theo lời bà Thủy, do anh Công bị bỏng quá nặng, phải điều trị nhiều ngày tại Bệnh viện Bỏng quốc gia, lại không được đóng bảo hiểm nên số tiền điều trị và chăm sóc cho anh Công quá lớn so với khả năng của gia đình. Bà Thủy phải đi vay mượn khắp nơi để cứu chữa cho con. Trong khi còn nhiều vết thương chưa lành, nhưng do bị chủ cơ sở chế biến gỗ bỏ mặc sau tai nạn, cùng với chi phí điều trị quá lớn, gia đình bà Thủy đành phải xin cho anh Công ra viện để về nhà tự điều trị.

Tổng số tiền chăm nom và điều trị cho anh Công hết gần 100 triệu đồng nhưng ông Thuật mới đưa được 10 triệu đồng khiến bà Thủy rất bức xúc về sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của cơ sở chế biến gỗ này, đồng thời gửi đơn thư tới Pháp luật & Xã hội và nhiều cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Nam. Đến thời điểm hiện tại, nhiều vết thương trên cơ thể của anh Công vẫn chưa khỏi vì còn nhiều mùn gỗ nằm sâu trong cơ thể. Do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình cũng không còn khả năng đưa anh Công đi tái khám và điều trị theo lịch hẹn của Bệnh viện Bỏng quốc gia.

Được biết, sau khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của bà Thủy, CA huyện Thanh Liêm đã tiến hành vào cuộc kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm theo quy định. Ngày 23/11/2022, Thượng tá Lê Hải Nam - Phó thủ trưởng CQCSĐT CA huyện Thanh Liêm đã ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 50/QĐ-ĐTTH vì anh Công bị bỏng với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31%.

Đi sâu vào tìm hiểu hoạt động sản xuất chế biến gỗ của ông Đoàn Thanh Tùng, chúng tôi phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm xảy ra tại một số cơ sở chế biến gỗ do ông Tùng làm chủ. Ít nhất 2 cơ sở chế biến gỗ của ông này đã xảy ra hỏa hoạn.

Vì sao cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn được hoạt động? Pháp luật & Xã hội sẽ thông tin chi tiết trong những bài sau.

Hải Phòng: Nam công nhân tử vong tại xưởng sản xuất gạch, công ty xóa dấu vết hiện trường
Người lao động sẽ được hỗ trợ phí bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động