Cần xem xét trách nhiệm của UBND huyện Thanh Liêm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột cơ sở chế biến gỗ khác của ông Đoàn Thanh Tùng ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã từng bị cháy và đã hoạt động trở lại. |
Cơ sở chế biến gỗ “nhiều không”
Như PL&XH đã phản ánh trong các bài báo trước, ngày 4/8/2022, tại cơ sở chế biến gỗ của ông Đoàn Thanh Tùng, tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam xảy ra vụ nổ bồn chứa mùn gỗ, khiến anh Hoàng Đình Công bị bỏng toàn thân. Đáng chú ý, sau khi xảy ra tai nạn, chủ cơ sở chế biến gỗ này không đưa anh Công đi cấp cứu mà lại cho người chở nạn nhân về nhà rồi bỏ mặc cho gia đình tự cứu chữa.
Theo phản ánh, mặc dù anh Công bị bỏng rất nặng nhưng chủ cơ sở chế biến gỗ nơi anh Công làm việc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm. Chi phí cứu chữa cho anh Công tốn gần 100 triệu đồng nhưng ông Tùng không thăm hỏi mà chỉ cho người đưa cho gia đình anh Công được 10 triệu đồng khiến gia đình nạn nhân rất bức xúc và gửi đơn “cầu cứu” đi nhiều nơi.
Anh Hoàng Đình Công cho rằng, chủ cơ sở chế biến gỗ đã bỏ mặc sự sống chết của người lao động sau khi xảy ra tai nạn. |
Sau khi nhận được đơn thư của bà Dương Thị Thủy, mẹ nạn nhân Công, PV PL&XH vào cuộc tìm hiểu, xác minh thì phát hiện, cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng có nhiều vi phạm, từng xảy ra hỏa hoạn nhưng UBND huyện Thanh Liêm và UBND thị trấn Kiện Khê không kiên quyết xử lý, vẫn để cho cơ sở chế biến gỗ hoạt động và vụ tai nạn lao động đã xảy ra.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi người dân phản ánh về cơ sở sản xuất của ông Tùng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngày 17/12/2021 và ngày 23/12/2021, UBND thị trấn Kiện Khê đã tiến hành kiểm tra và làm việc với cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường của ông Tùng. Ngày 12/1/2022, UBND huyện Thanh Liêm yêu cầu UBND thị trấn Kiện Khê báo cáo tình hình hoạt động của cơ sở chế biến gỗ này.
Báo cáo của UBND thị trấn Kiện Khê gửi UBND huyện Thanh Liêm ngày 12/1/2022 thể hiện, vị trí ông Tùng sử dụng làm cơ sở chế biến gỗ thuộc thửa đất số 31; tờ bản đồ số 2; diện tích 9.653m2 đã được UBND huyện Thanh Liêm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 14/10/2011 đứng tên bà Trần Thị Thoa để thực hiện dự án Xây dựng xưởng sửa chữa cơ khí.
Ngày 11/6/2015, UBND huyện Thanh Liêm ban hành Thông báo số 04/TB-UBND về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “Đầu tư mở rộng xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng sản xuất bột đá siêu mịn, bột vôi, xưởng sản xuất gạch Block, lò đốt vôi” của hộ gia đình bà Trần Thị Thoa.
Xưởng nghiền gỗ của ông Tùng nằm trên diện tích đất dự án của bà Thoa, hiện đã lợp xưởng diện tích khoảng 200m2, bên trong xưởng có đặt 1 máy nghiền gỗ. Ông Tùng nghiền gỗ vụn, nén thành viên để làm than đốt. Trong quá trình sản xuất có phát thải bụi gỗ và gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ngày 17/12/2021, UBND thị trấn Kiện Khê kiểm tra thực địa tại xưởng chế biến gỗ của ông Tùng. UBND thị trấn Kiện Khê đã yêu cầu ông Tùng cung cấp giấy đăng ký kinh doanh, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, hợp đồng thuê đất của bà Thoa nhưng ông Tùng không cung cấp được. UBND thị trấn Kiện Khê xác định, cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng đã hoạt động chui, không được cơ quan Nhà nước cấp phép.
UBND thị trấn Kiện Khê yêu cầu ông Tùng dừng ngay sản xuất và làm các thủ tục cấp phép. Song, ông Tùng không chấp hành mà vẫn cho cơ sở chế biến gỗ tiếp tục hoạt động. Ngày 23/12/2022, UBND thị trấn Kiện Khê tiếp tục làm việc với cơ sở chế biên gỗ nhưng chủ cơ sở này vẫn không cung cấp được văn bản, tài liệu gì.
Thời điểm này, UBND thị trấn Kiện Khê khẳng định, việc sản xuất kinh doanh của hộ ông Tùng không đúng mục đích theo dự án bà Thoa đăng ký là vi phạm do chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép; việc sản xuất gây khói bụi tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. UBND thị trấn Kiện Khê yêu cầu hộ ông Tùng dừng ngay việc sản xuất; hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng ký thêm ngành nghề chế biến gỗ, khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới được hoạt động. Song, ông Tùng không chấp hành theo yêu cầu dừng sản xuất của UBND thị trấn Kiện Khê và đến ngày 26/12/2021, cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng bị cháy.
Có dấu hiệu buông lỏng quản lý
Theo tìm hiểu của PV, ngày 25/1/2022, UBND huyện Thanh Liêm mới cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh lần đầu cho cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng và yêu cầu ông Tùng chỉ được phép kinh doanh khi có đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, ông Tùng vẫn bất chấp pháp luật, tiếp tục cho cơ sở chế biến gỗ hoạt động.
Sau khi tiếp nhận phản ánh về việc cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng gây khói bụi và tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; xe ô tô về chở hàng, đậu đỗ lấn chiếm lòng lề đường gây mất ATGT, ngày 11/5/2022, UBND thị trấn Kiện Khê tiếp tục kiểm tra hoạt động của cơ sở chế biến gỗ này và xác định, ông Tùng chưa có giấy phép chuyển đổi mục đích sản xuất chế biến gỗ theo đúng hiện tại.
UBND thị trấn Kiện Khê tiếp tục yêu cầu ông Tùng dừng ngay việc sản xuất chế biến gỗ và giao cho CA thị trấn Kiện Khê giám sát việc thực hiện yêu cầu của UBND thị trấn Kiện Khê đối với cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, giải quyết tố giác tội phạm của bà Dương Thị Thủy, CQĐT CA huyện Thanh Liêm cũng xác định, cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng không đủ điều kiện về PCCC; ông Tùng không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm và không phát bảo hộ lao động cho người lao động.
Để làm rõ việc xử lý những sai phạm xảy ra tại cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng, ngày 18/5, PV PL&XH đã đến UBND huyện Thanh Liêm đăng ký nội dung làm việc. Ngày 26/5, PV đã gặp trực tiếp ông Hoàng Hải Minh, Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Liêm đề nghị ông này sắp xếp lịch làm việc. Song, đã gần 2 tháng trôi qua, PL&XH vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND huyện Thanh Liêm.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá, cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng không có giấy đăng ký kinh doanh, sử dụng đất sai mục đích, không đảm bảo về PCCC, gây ô nhiễm môi trường và chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu dừng hoạt động. Song, ông Tùng đã bất chấp pháp luật, tiếp tục cho cơ sở chế biến gỗ hoạt động dẫn đến vụ cháy xảy ra ngày 26/12/2021 và vụ tai nạn lao động ngày 4/8/2022 là có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ông Tùng không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm, không phát bảo hộ lao động cho người lao động là vi phạm Luật Lao động.
Luật sư Nguyên cũng cho rằng, UBND tỉnh Hà Nam cần vào cuộc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo, cá nhân và tập thể thuộc UBND huyện Thanh Liêm và thị trấn Kiện Khê vì có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cho một cơ sở chế biến gỗ “nhiều không” của ông Tùng hoạt động dẫn đến 2 vụ việc nghiêm trọng trên.
Theo phản ánh, khoảng đầu năm 2023, một cơ sở chế biến gỗ khác của ông Tùng ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cũng xảy ra cháy. Lực lượng PCCC CA tỉnh Hà Nam và CA huyện Kim Bảng đã phải huy động lực lượng dập tắt đám cháy. Sau khi xảy ra hoả hoạn, cơ sở chế biến gỗ của ông Tùng tiếp tục hoạt động. Để tìm hiểu về việc cơ sở chế biến gỗ này có đủ điều kiện hoạt động, có đảm bảo về PCCC hay không, PV đã liên hệ với Chủ tịch UBND xã Thi Sơn nhưng chưa nhận được phản hồi, còn lãnh đạo CA xã này thì từ chối trả những câu hỏi của PV. |
Chủ cơ sở chế biến gỗ bị tố thiếu trách nhiệm với người lao động sau tai nạn | |
Chủ cơ sở chế biến gỗ bị xử phạt hành chính về PCCC |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại