Bình Phước lên kế hoạch phát triển 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị xã
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhu công nghiệp Becamex Bình Phước tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Becamex |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 cơ cấu kinh tế công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 54% trong đó ưu tiên các ngành có giá trị cao như chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo....
Bình Phước huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, huyện Phú Riềng.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ có 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 583 ha. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ có thêm 14 cụm công nghiệp được bổ sung với dự kiến tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp Bình Phước là 33 ha/cụm.
Địa phương phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin… Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp. Đối với công nghiệp chế biến, tỉnh phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 3 nhóm ngành chủ lực: chế biến điều, chế biến cao su và gỗ, chế biến thực phẩm (các sản phẩm từ gia súc, gia cầm).
Đối với công nghiệp chế tạo, địa phương tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Về công nghiệp hỗ trợ, hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.
Mặt khác, Bình Phước quy hoạch vùng nguyên liệu khoảng 140.000 ha cây điều, tập trung tại các huyện Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng, Đồng Phú; khoảng 5.000 ha gỗ rừng trồng, cùng với gỗ điều, cao su và gỗ nhập khẩu; khoảng 15.000 ha cây ăn trái tập trung tại thị xã Bình Long, các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố, với quy mô 3 triệu con heo và 20 triệu con gia cầm.
Cùng đó, tỉnh tạo điều kiện sẵn có về quỹ đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sản xuất để hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành, sẵn sàng thu hút đầu tư; huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn lực từ kinh tế tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), để đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại; trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bình Phước còn tập trung thu hút toàn diện nhưng có thứ tự ưu tiên các phân ngành, doanh nghiệp trong phân ngành có công nghệ cao, suất đầu tư cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, sản xuất các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu nội địa hóa của tỉnh nhà cũng như của cả nước.
Ngoài ra, Bình Phước cũng tăng cường năng lực dự báo thị trường, cập nhật thông tin về chính sách thương mại của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các điều kiện gia nhập thị trường, rào cản kỹ thuật, thuế quan để định hướng cho chế biến sâu nhanh chóng đáp ứng điều kiện cần và đủ để gia nhập thị trường; phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại của Việt Nam ở nước ngoài có các văn phòng thương mại ở nước ngoài để mở khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương.
Năm 2024, sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Phước tiếp tục tăng trưởng so với năm 2023, giữ vai trò là động lực chính trong khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 5,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Phước Trương Quang Phúc, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng gần 18% so với năm 2023. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 12,41%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,21%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,99%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,96%...
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2024 tăng cao so với năm 2023 như: sản xuất xe có động cơ tăng 95,82%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 27,44%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 22,14%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,5%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với năm 2023 gồm: thiết bị tín hiệu âm thanh khác tăng 95,82%; gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) tăng 30,01%; hạt điều khô tăng 21,08%; đá xây dựng khác tăng 12,41%; thức ăn cho gia cầm tăng 9,08%...
Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc trọng điểm ở Bình Dương, phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại