Chi ngân sách đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho công chức, viên chức: Thế nào để hiệu quả?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Việc đánh giá, sử dụng, đãi ngộ CC không dựa vào văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ, đây cũng không phải là mục tiêu phấn đấu của CC, VC |
Dự kiến chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau ĐH
Với 14.000 tỷ đồng, Đề án 911 được đầu tư để đào tạo 23.000 tiến sĩ, đề án này dừng nửa chừng. Đề án 322 “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước”, dự định diễn ra trong 5 năm (2000 - 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Kết quả là số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học. Hơn 30% số người về nước không trở lại cơ quan cũ làm việc.
Tại Hà Nội, theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, CC, VC TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, TP dự kiến chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau ĐH trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đối với cán bộ, CC, VC. Cụ thể, Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau ĐH tại các nước tiên tiến với CC, VC không quá 35 tuổi thuộc các Sở, chỉ tiêu là 30 người gồm 5 tiến sĩ và 25 thạc sĩ. Cử đi đào tạo sau ĐH ở trong nước CC, VC, chỉ tiêu đào tạo 240 người gồm 40 tiến sĩ và 200 thạc sĩ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc học thì với ai cũng cần, ai cũng phải học hành, rèn luyện liên tục để cập nhật kiến thức, phục vụ cho công việc và tiến bộ bản thân. Về cập nhật kiến thức chuyên môn, các cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng, đó là việc đương nhiên phải làm. Còn cá nhân ai có nhu cầu đi học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì tự mình lo, không thể có chuyện chi ngân sách cho cán bộ, CC đi học. Bao nhiêu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng phải bỏ tiền đóng học phí, vậy thì CC đi học sau ĐH bằng tiền Nhà nước là không công bằng.
Nên dành ngân sách cho việc đào tạo kiến thức, kỹ năng
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, với mỗi đề án ở mỗi địa bàn đó, việc cử CC, VC đi học phục vụ gì cho nguồn quản trị của mình? Hiện nay đang xảy ra nhiều tranh luận xoay quanh giữa lợi ích và công bằng xã hội đối với những đề án này. Bởi lẽ, ở những vị trí việc làm khác nhau, mọi người đều đang đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, có những cá nhân đang tự mình nỗ lực học tập, làm việc, vậy tại sao một bên đội ngũ cán bộ, CC, VC lại được ưu tiên hơn?
Hơn nữa, với đội ngũ CC, VC, có thể hôm nay họ làm ở vị trí này nhưng ngày mai họ lại làm ở vị trí khác, vậy liệu rằng việc thực hiện đề án có đạt được tính hiệu quả? Sự thay đổi của xã hội mang tính liên tục và chúng ta cần nguồn nhân lực phù hợp cho từng giai đoạn, từng bối cảnh. Chính vì vậy, thay vì đầu tư đào tạo sau ĐH cho đội ngũ CC, VC thì nên xây dựng quy trình tuyển dụng được người giỏi vào làm việc tại hệ thống quản lý Nhà nước. Cách làm này sẽ có lợi ích về mặt kinh tế cao hơn và hiệu quả cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, nên dành ngân sách cho việc đào tạo kiến thức, kỹ năng mang tính chất quản trị cho đội ngũ nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao, giúp đội ngũ của mình thích ứng với sự phát triển của xã hội trong từng giai đoạn cụ thể. Còn nếu quá ưu tiên cho nhóm CC, VC, đầu tư xong, chưa chắc người ta có sự gắn bó với công việc thì sẽ khó đảm bảo tính hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đánh giá, sử dụng, đãi ngộ CC không dựa vào văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Đây cũng không phải là mục tiêu phấn đấu của CC, mà quan trọng là chất lượng công việc, chất lượng phục vụ Nhân dân. Đào tạo CC chất lượng cao theo hướng tăng cường số lượng tiến sĩ, thạc sĩ - thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã làm, nhưng cần phải đánh giá lại. Vì liệu thực sự có cần thiết đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho cán bộ CC hay không.
Thực tế thấy rằng, trình độ tiến sĩ, thạc sĩ không phải điều kiện cần và đủ cho một CC để trở thành công bộc mẫn cán của dân. Nhiều quốc gia trên thế giới, họ không đi theo hướng này. Bởi thạc sĩ và tiến sĩ chủ yếu phục vụ công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo. Còn CC ở cơ quan hành chính Nhà nước, điều quan trọng nhất phải chất lượng đào tạo chuyên sâu đầu vào; sau đó gắn với việc bồi dưỡng nghiệp vụ và quá trình tự rèn luyện của CC.
GĐ Sở Khoa học & Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cũng từng đặt vấn đề: “Tôi không biết CC mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, CC phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học”.
Theo thống kê năm 2019, tổng số CC có bằng tiến sĩ là 2.347 người (0,8%), có bằng thạc sĩ là 19.136 người (6,5%). Những cơ quan có nhiều tiến sĩ là Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ GD&ĐT, Bộ NN & PPTNT, Bộ Tài chính… Trên thế giới, ví dụ tại Úc, gần đây đã siết chặt nguồn kinh phí cấp cho nhân viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều chương trình đào tạo được tổ chức liên tục, nhưng đa số là các khóa ngắn hạn từ vài giờ đến vài ngày. Số lượng được cấp kinh phí toàn phần để học thạc sĩ chỉ khoảng 1 - 2 người/năm, thường dành cho cấp quản lý hoặc những cán bộ sắp được bổ nhiệm ở những vị trí quan trọng. Lý do là thạc sĩ, tiến sĩ thường nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề cụ thể, nhưng công việc hàng ngày của một nhân viên Chính phủ đòi hỏi người có kinh nghiệm tư duy và có thể thích ứng với môi trường công việc mới. Thế nên, muốn học ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ thì phải bỏ tiền túi ra học. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại