Thứ hai 25/11/2024 05:16

Giảng viên đi học tiến sĩ có thể được hỗ trợ đến 25.000 USD/năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Tài Chính vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030. Trong đó, đề xuất các mức hỗ trợ học phí đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ ở trong nước và ở nước ngoài.
Giảng viên đi học tiến sĩ có thể được hỗ trợ đến 25.000 USD/năm
Theo dự thảo Thông tư đang được Bộ Tài Chính lấy ý kiến góp ý, giảng viên đại học được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có thể được hỗ trợ học phí lên tới 25.000 USD/năm. (Ảnh: ĐHQGHN)

Theo dự thảo, nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ cho người học (gồm học bổng, học phí và các chi phí cho học viên được đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ) từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề) theo đúng đối tượng được cử đi đào tạo được cơ quan có thẩm quyền giao và mức chi đào tạo quy định tại Thông tư.

Đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, theo dự thảo, học phí và các khoản có liên quan đến học phí thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GD&ĐT với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên, tối đa không quá 25.000 USD/người học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại cho một năm học. Trường hợp mức học phí cao hơn thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả.

Ngoài quy định về mức hỗ trợ học phí, dự thảo Thông tư đề xuất quy định chi phí làm hộ chiếu, visa; mức sinh hoạt phí; bảo hiểm y tế bắt buộc; tiền vé máy bay; chi phí đi đường cùng các khoản chi khác phát sinh trong quá trình đào tạo.

Đối với nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở trong nước, học phí nộp cho các cơ sở đào tạo ở trong nước thanh toán theo mức quy định của cơ sở đào tạo, tối đa không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo đó, người học được hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước. Cụ thể, nhóm ngành Y dược: 20 triệu đồng/người học/năm; Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nông ,lâm, thuỷ sản, thể dục thể thao, nghệ thuật: 18 triệu đồng/người học/năm; Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác: 13 triệu đồng/người học/năm.

Ngoài ra, theo dự thảo, người học cũng được hỗ trợ kinh phí đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ uy tín quốc tế thuộc danh mục Web of Science theo mức thông báo của tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, các cơ sở đào tạo có thể huy động thêm từ các nguồn đóng góp, huy động hợp pháp khác để hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động