Thứ hai 25/11/2024 05:20

“Nới lỏng” quy định về bài báo khoa học trong đào tạo Tiến sĩ: Một bước đi lùi?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (Thông tư 18) mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành đang nhận về nhiều ý kiến của giới khoa học. Mà nội dung gây tranh cãi nhất là quy định về bài báo khoa học. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ yêu cầu đối với nghiên cứu sinh (NCS) là “có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước” là một bước đi lùi của Bộ GD&ĐT.

Bài báo khoa học: Khó nhưng không thể hạ chuẩn

Một trong những yêu cầu được nêu tại Thông tư 18, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của NCS. Theo đó, quy chế mới so với quy chế hiện hành đã bỏ quy định NCS tiến sĩ phải có ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế.

Theo các chuyên gia, việc chỉ quy định NCS đảm bảo có các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước... là một “bước thụt lùi”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – nhà khoa học đã có hơn 100 công bố quốc tế ISI trong lĩnh vực Cơ học và là một trong ba nhà khoa học đã được Hội đồng Giải thưởng đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 cho rằng: Bài công bố quốc tế thực chất là khó, với những ngành đặc thù lại vô cùng khó. Ví dụ các ngành khoa học xã hội nhân văn, các ngành ngoại ngữ, khoa học cơ bản… rất khó có được công bố quốc tế.

Công bố quốc tế cũng có năm bảy loại, không phải tạp chí nào cũng uy tín. Có những tạp chí lập ra chỉ để đăng bài theo tính chất: Đưa kinh phí thì đăng bài. Vì vậy, “đãi cát tìm vàng” khuyến khích 1 công bố quốc tế ở tạp chí uy tín rất quan trọng, và NCS đào tạo tiến sĩ buộc phải có công bố quốc tế - dù có những người làm NCS cả 7 năm chưa thể có công bố quốc tế, nhưng không thể vì đó mà hạ chuẩn được.

“Nới lỏng” quy định về bài báo khoa học trong đào tạo Tiến sĩ: Một bước đi lùi?
Quy định mới về bài báo khoa học trong đào tạo Tiến sĩ đang tạo ra nhiều tranh luận. Ảnh minh họa

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chuẩn đầu ra của quy chế 18 hiện nay lạc hậu, quay trở về như quy chế tiến sĩ cách đây hơn 20 năm về trước. Ngay cả chuẩn đầu ra của quy chế năm 2017 cũng chưa phải là cao so với khu vực, yêu cầu phải có tối thiểu 1 bài trên tạp chí ISI, hoặc 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện (chưa yêu cầu phải ISI/Scopus), hoặc 2 bài đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế, viết bằng tiếng nước ngoài có phản biện. Nay Thông tư 18 bỏ hoàn toàn yêu cầu về công bố quốc tế với NCS, cũng như thầy hướng dẫn và thành viên hội đồng là thấp hơn, thụt lùi so với quy chế 2017.

Còn hiện trạng bài báo khoa học ở Việt Nam thì rõ ràng: Có những tác giả một tạp chí có hẳn 3 bài nghiên cứu, như một dạng chạy deadline (hạn chót) cho thời hạn đào tạo. Các tạp chí khoa học được quy định chấm điểm trong nước cũng không đồng đều. Vậy quy định này, có phải đang đánh thụt yêu cầu chuẩn đầu ra cần có của đào tạo tiến sĩ hay không?

Tự giám sát và giám sát, có đảm bảo chặt chẽ chuẩn đào tạo?

Trả lời báo chí về những ý kiến xung quanh quy chế mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho rằng trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng phong phú của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là điều phù hợp.

Theo đó, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại. Hiện nay chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.

Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào, nhưng quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…

“Bộ GD&ĐT trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát (cùng với sự giám sát của giới khoa học, của toàn xã hội) đối với quá trình học tập, nghiên cứu của NCS trong các cơ sở đào tạo”- Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tự giám sát là quá trình nội bộ của các cơ sở, còn cơ chế giám sát của quản lý cấp cao hơn đa phần thường thực hiện khi đã phát sinh vấn đề.

“Nới lỏng” quy định về bài báo khoa học trong đào tạo Tiến sĩ: Một bước đi lùi?
Kết quả công bố quốc tế tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi áp dụng Thông tư 08. Ảnh minh họa

Theo GS. TS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam thì thực tế là với những ngành khó công bố quốc tế chỉ nên yêu cầu ở mức thấp hơn. Đối với một số ngành chưa thể có công bố quốc tế, Bộ GD&ĐT có thể chấp nhận luận án không có công bố quốc tế. Nhưng không nên đánh đồng tất cả các ngành để cùng “hạ hết chuẩn xuống”.

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ GD&ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ vừa ban hành. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ mới được Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28-6-2021.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo như sau: Bộ GD&ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng.

Công bố quốc tế tăng mạnh nhờ thông tư 08

Kết quả thống kê các công bố quốc tế cho thấy trong những năm gần đây, Việt Nam có số lượng công bố tăng mạnh ở cả nhóm ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Đặc biệt là từ năm 2017, khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó yêu cầu bắt buộc về việc phải có công bố quốc tế đối với NCS và cả giáo viên hướng dẫn.

Nếu năm 2011, Việt Nam chỉ có gần 1.600 công bố khoa học trên các tạp chí này thì đến năm 2020, con số này đã tăng gần 8 lần, với gần 12.500 bài báo. Số bài báo ISI năm 2020 còn lớn hơn tổng số bài báo ISI của ba năm 2017, 2016 và 2015 cộng lại, cũng lớn hơn tổng số bài ISI của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm trước đó, từ 2011 đến 2015.

Trong số các bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí ISI của Việt Nam, chiếm đến 94,2% là các bài báo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên. Nhóm ngành khoa học xã hội có số lượng bài báo khoa học công nghệ khiêm tốn hơn với chỉ 5,8%.

Năm 2016, số bài báo Scopus của ngành kinh tế là 107 bài thì năm 2020, con số này là 1.024 bài, tăng gần 10 lần. Tương tự, số công bố của ngành kinh doanh tăng gần 10 lần, từ 140 bài lên 1.316 bài.

Các lĩnh vực có tính đặc thù cao như văn hóa, nhân học, lịch sử, khoa học chính trị và quan hệ quốc tế hay các lĩnh vực “khó nhằn” như triết học cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng công bố quốc tế.

Những số liệu, phân tích trên cho thấy vai trò, ý nghĩa trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của Thông tư 08 về đào tạo tiến sỹ năm 2017, khi công bố quốc tế của Việt Nam đã có bước nhảy vọt.

Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn - Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa

Đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ trong cơ sở giáo dục đại học Đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ trong cơ sở giáo dục đại học

Hiện nay, cả nước đang có trên 73.000 giảng viên đại học, trong đó, số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là 28.8%. Trong ...

Đề xuất quy chế đào tạo tiến sĩ giảm thiểu “cầm tay chỉ việc” Đề xuất quy chế đào tạo tiến sĩ giảm thiểu “cầm tay chỉ việc”

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư Quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, theo ...

Đào tạo tiến sĩ: Không “học” mà “làm” Đào tạo tiến sĩ: Không “học” mà “làm”

Số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã tăng hơn 3 lần so với ...

T.Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động