Thứ bảy 27/04/2024 02:18

Chàng trai có “trái tim ấm” với phong trào thiện nguyện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là chàng trai Hoàng Hoa Trung - trưởng nhóm Tình nguyện Niềm tin (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Anh đã cùng các cộng sự của mình thắp lên hành trình nhân ái, trao yêu thương, niềm tin và hy vọng đến nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các em nhỏ vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Anh Hoàng Hoa Trung được tặng nhiều giải thưởng vì có nhiều đóng góp trong phong trào thiện nguyện. 	Ảnh: NVCC
Anh Hoàng Hoa Trung được tặng nhiều giải thưởng vì có nhiều đóng góp trong phong trào thiện nguyện. Ảnh: NVCC

Anh “đồng nát”

Mọi người vẫn gọi Hoàng Hoa Trung là Trung “đồng nát” bởi để có sự thành công trong các hoạt động thiện nguyện hiện nay, chàng trai này đã không ngừng nỗ lực, bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Tuổi 17, nhiều người thi vào ĐH, CĐ hay tìm cho mình con đường phát triển sự nghiệp nào đó thì Trung lại lựa chọn con đường đi nhiều thách thức, là hoạt động công tác xã hội.

Để có tiền phục vụ cho công tác thiện nguyện, anh không nề hà bất cứ công việc nào, từ việc đi nhặt từng mẩu sắt vụn, ve chai gom bán đến thu gom quần áo, bán măng khô,… vừa hỗ trợ bà con miền núi, vừa kiếm được chút lời. Đó cũng là những viên gạch đầu tiên thắp lên dự án “Ánh sáng núi rừng” nhằm giúp đỡ các em nhỏ vùng cao.

Sau đó, Trung tiếp tục sáng lập mô hình “Nuôi em” nhằm hỗ trợ bữa cơm trưa cho các học sinh. Ban đầu, anh kêu gọi các mạnh thường quân nuôi cơm trưa cho học sinh vùng cao với 8.500 đồng/bữa/em. Tuy nhiên, 4 năm đầu dự án rất chật vật, ít người quan tâm.

Từ năm 2018, Trung thay đổi cách làm theo hướng minh bạch nhất có thể. Mỗi em nhỏ sẽ có 1 người nhận nuôi, người nuôi các em sẽ được cung cấp toàn bộ thông tin về hoàn cảnh các em, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo... để kiểm tra, kiểm soát tính minh bạch. Thông tin hình ảnh, clip ăn uống của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tháng và cập nhật lên nhóm của điểm bản cùng người nuôi học sinh đó. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm hoặc gọi điện để hỏi thăm các em. Nhờ cách làm này, đã có hàng chục nghìn em nhỏ tại nhiều tỉnh thành khó khăn được nuôi cơm.

Mô hình này đã được rất nhiều đội tình nguyện, các tổ chức Đoàn học tập và nhân rộng vì dễ thực hiện, lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp tỷ lệ học sinh bỏ học buổi chiều giảm từ 80% xuống còn 5% tại nơi thực hiện mô hình.

Sức mạnh từ những điều nhỏ bé

Một trong số những chương trình thiện nguyện nổi bật của Trung và các cộng sự là “Sức mạnh 2.000”, hỗ trợ xây dựng các điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc cho các em nhỏ vùng cao, kết hợp cùng Trung tâm Tình nguyện Quốc gia. Đây là chương trình bắt nguồn từ thông điệp “Tiền lẻ mỗi ngày, triệu người chung tay”, sức mạnh được tạo nên từ những điều nhỏ bé. “Mỗi ngày một chút thì công việc tình nguyện của mình sẽ đầy lên, làm tốt nó sẽ tự nhân hương”, Trung chia sẻ. Anh hy vọng mỗi người chung tay đóng góp ít nhất 2.000 đồng và nhiều người chung tay ủng hộ sẽ tạo nên những công trình giá trị đối với cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ tại những vùng khó khăn của đất nước.

Dự án cũng mở ra góc nhìn mới về đối tượng làm từ thiện, không chỉ những người có điều kiện mới có thể làm thiện nguyện. 2.000 đồng là số tiền nhỏ bé nhưng nó sẽ tạo nên sức mạnh phi thường khi có sự chung tay của nhiều người. Các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn hai hình thức quyên góp, là chuyển tiền trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của dự án hoặc chuyển tiền qua tài khoản của dự án trên ứng dụng ví MoMo - tính năng tự động chuyển tiền mỗi ngày.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cũng có thể ủng hộ, đồng hành với chương trình bằng cách ủng hộ các nguyên vật liệu cho các công trình thiện nguyện của “Sức mạnh 2.000”, hỗ trợ việc thiết kế, giám sát thi công, tặng trang bị cơ sở vật chất,…

Kể từ khi khởi xướng và triển khai vào tháng 2/2020, dự án “Sức mạnh 2.000” đã nhận được sự chung tay đóng góp của hàng chục doanh nghiệp, gần 2.000 cá nhân chỉ tính trong năm 2020. Dự án “Sức mạnh 2.000” đã triển khai nhiều chương trình trọng tâm, gồm: “Trường đẹp cho em” xây dựng các điểm trường mới, xóa bỏ các điểm trường tạm bợ; “Nhà nội trú cho em” xây khu nhà ở nội trú tại trường cho học sinh; “Ngôi nhà hạnh phúc” xây nhà cho học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; “Cây cầu hạnh phúc” xây cầu tại các địa bàn khó khăn.

Sau 1 năm thực hiện, chương trình đã gây quỹ được hơn 31 tỷ đồng, xây dựng và đưa vào sử dụng 103 trường học, 3 khu nội trú, 26 “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh mồ côi dân tộc thiểu số ít người và 9 cầu dân sinh. Và dự án sẽ còn tiếp tục cuộc hành trình chia sẻ yêu thương nhiều hơn nữa.

Với những đóng góp tích cực cho các hoạt động thiện nguyện, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, Hoàng Hoa Trung đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng như giải Tình nguyện Quốc gia năm 2017; top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019; top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019; Forbes Vietnam bình chọn là 30 Under 30 năm 2020 (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam). Nhóm tình nguyện “Niềm tin” cũng đạt giải thưởng “Tình nguyện Quốc gia” trong 2 năm.

Gắn bó với phong trào thiện nguyện, Trung chia sẻ, thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến. Bởi điều đó sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc viên mãn thực sự cho mỗi người. “Tôi thích giúp đỡ người khác, nó cho tôi thấy cuộc đời mình có ích, chứ vứt ra ngoài đường thì kiếm tiền dễ lắm”, Trung tâm sự.

Tấm gương sinh viên say mê công tác Đoàn và phong trào tình nguyện
Cán bộ hội phụ nữ đi đầu trong mọi phong trào
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ hết mình cho phong trào thiện nguyện
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động