Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thu phí ETC: Đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh với ô tô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức vận hành thu phí ETC từ 22/7. |
Từ 14h ngày 22/7, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC chính thức khai trương hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Theo kế hoạch, VEC cũng đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC trên tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây vào ngày 26/7 (sớm hơn từ 5 – 10 ngày theo yêu cầu của Chính phủ và rút ngắn từ 1 đến 1,5 tháng so với hợp đồng. Đối với 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Nội Bài – Lào Cai, VEC sẽ hoàn thành công tác lắp đặt vận hành thử nghiệm trước ngày 29/7/2022 và chính thức đưa vào khai thác từ 0h ngày 1/8/2022 (rút ngắn được tiến độ khoảng 1 tháng so với hợp đồng và đảm bảo tiến độ yêu cầu của Chính phủ).
Như vậy, VEC đã thực hiện nghiêm và sẽ hoàn thành chỉ đạo của Chính phủ là đến ngày 1/8/2022, tất cả các trạm thu phí trên 4 tuyến cao tốc đều thực hiện thu phí theo hình thức hoàn toàn tự động không dừng.
Với việc đưa hệ thống ETC vào khai thác, các phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc của VEC sẽ được hưởng đầy đủ các tiện ích do công nghệ này mang lại. Song song với việc yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ tích cực tuyên truyền, đẩy nhanh công tác dán thẻ cho các phương tiện; theo dõi, đánh giá chỉ số KPI của hệ thống.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá về lưu lượng và thực tế tình hình khai thác, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đã được triển khai, VEC sẽ tiếp tục cho lắp đặt, mở rộng kịp thời hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ sự tăng trưởng của các phương tiện sử dụng dịch vụ ETC.
Nhận thức được tầm quan trọng và chấp hành chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, VEC đã có nhiều văn bản đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền về các phương án triển khai hệ thống ETC.
Trong đó có phương án sử dụng nguồn chi phí tổ chức thu phí hàng năm để đi thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí và các giải pháp triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Đến cuối năm 2021, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng thuận đối với đề xuất nêu trên của VEC. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để VEC đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC. Ngay sau đó, VEC đã tập trung huy động tất cả các nguồn lực để triển khai đồng thời các thủ tục và hoàn thành trong thời gian ngắn như: Lấy ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, thuê tư vấn khảo sát, lập phương án, thẩm tra, chuẩn bị, phát hành hồ sơ mời thầu, đánh giá các hồ sơ dự thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng…
Ngày 7/6/2022, VEC đã ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu cung cấp dịch vụ là Công ty cổ phần TASCO. Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, Công ty cổ phần TASCO cùng các nhà thầu phụ đã không kể ngày đêm, đồng loạt triển khai khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, trên toàn bộ 4 tuyến cao tốc với 28 trạm thu phí (Cầu Giẽ - Ninh Bình: 3 trạm; Nội Bài – Lào Cai: 15 trạm; Đà Nẵng – Quảng Ngãi: 7 trạm và TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây: 3 trạm).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai lắp đặt vận hành thu phí không dừng tại 113 trạm/662 làn thu phí. Còn 16 trạm/98 làn thu phí không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai thu phí không dừng do có tính chất đặc thù (thời gian thu phí còn lại nhỏ hơn 3 năm, doanh thu thu phí quá thấp).
“Việc VEC đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC tại tất cả các làn xe của 4 tuyến cao tốc sẽ giúp đẩy nhanh đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với phương tiện xe ô tô, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí ETC theo đúng yêu cầu của Quốc hội”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại