Cảnh báo sốt mò: nữ bệnh nhân nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng từ vết loét đặc trưng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBệnh nhân phải điều trị bằng thở máy và lọc máu. Ảnh: BVCC |
Vào đầu tháng 6/2024, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt, mệt mỏi nhiều, tự điều trị tại nhà. Khi tình trạng tăng nặng, đặc biệt là khi xuất hiện khó thở, bệnh nhân mới đến phòng khám và được chẩn đoán có hình ảnh viêm phổi - tràn dịch màng phổi 2 bên.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với tình trạng tỉnh, thở oxy. Tại đây, các bác sĩ phát hiện một vết loét hoại tử khô kích thước 1x2cm ở vùng nách trái. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ sốt mò.
Sau hai ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, thậm chí còn xấu đi với tình trạng hô hấp suy giảm và toan hóa máu nặng. Do đó, bà được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Tại đây, bà được đặt ống nội khí quản và thở máy.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi có tràn dịch màng phổi do Rickettsia, suy thận cấp, suy tim, rung nhĩ.
Bệnh nhân lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy, đồng thời sử dụng các thuốc vận mạch, kháng sinh và điều trị lọc máu liên tục. Sau 5 ngày, tình trạng bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Các cơ quan dần hồi phục, bệnh nhân đã có thể rút ống thở và tự thở.
Theo Thạc sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sốt mò là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh nhân thường nhập viện ở giai đoạn nặng với tình trạng suy đa tạng, khiến việc điều trị hồi sức trở nên khó khăn và tốn kém.
Để nâng cao nhận thức về căn bệnh này, Thạc sĩ Đồng Phú Khiêm giải thích: sốt mò lây truyền qua côn trùng trung gian là ấu trùng mò. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Mò và ấu trùng ưa sống ở những nơi ẩm mát, râm mát, có bụi rậm và cây thấp.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt mò là vết loét xuất hiện trên da, thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ... Nốt loét thường không đau, không ngứa, hình tròn/bầu dục đường kính 1mm đến 2cm.
Bác sĩ Khiêm nhấn mạnh: việc chẩn đoán và điều trị sốt mò cần được thực hiện sớm, đặc biệt là trong 5 ngày đầu tiên sau khi phát bệnh để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu điều trị muộn hoặc không đúng cách, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não.
Sốt mò: Căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm đang gia tăng trở lại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại