Thứ hai 20/05/2024 02:53
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Cần tháo gỡ điểm nghẽn về phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, TP Hà Nội là một trong 30 thủ đô cổ nhất trên thế giới, thành phố duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có lịch sử ngàn năm tuổi. Hà Nội - suốt tiến trình lịch sử đã chưng cất được một hệ giá trị văn hóa hiếm có, góp phần xác lập vị trí, sứ mệnh đặc biệt trong các nguồn lực tạo nên “sức mạnh mềm” cho đất nước.

Rõ ràng, Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị và còn là Thủ đô văn hóa, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, là biểu tượng cho giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, nơi tụ nhân, tụ nghĩa, tụ tài của dân tộc, và là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Vì thế, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc đưa các quy định về văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là bước tiến lớn so với Luật Thủ đô trước đây, khi có những quy định về ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do UBND TP Hà Nội quyết định, cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hay áp dụng chế độ cao hơn đối với nghệ sĩ, nghệ nhân, bảo vệ các di tích, di sản văn hóa Thủ đô...

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển văn hóa và an sinh xã hội của Thủ đô. Đây là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Một trong các mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô. Đó là: xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch; giao HĐND thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể...

Cần tháo gỡ điểm nghẽn về phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa
Cột cờ Hà Nội hay Kỳ đài Hà Nội là di tích lịch sử đặc biệt, một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để phát triển văn hóa Thủ đô, chúng ta cần chú ý đến 2 nhiệm vụ: Một là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, thanh lịch, văn minh; Hai là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Thủ đô. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, chúng ta cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn về phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa nói chung, di sản nói riêng, chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sĩ, quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, quy định về quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa hay chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta phải tháo gỡ những điểm nghẽn sau: 1) Phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản; 2) Chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sĩ (thu nhập, tuổi nghề, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, xây dựng thương hiệu); 3) Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; 4) Quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa; 5) Chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Một số điểm nghẽn này đã được đề cập trong dự thảo Luật, nhưng một số điểm nghẽn chưa được đề cập, hoặc mới chỉ đề cập chung chung, chưa cụ thể, vì thế cần được lưu ý nhiều hơn khi triển khai Luật.

“Tôi muốn Ban soạn thảo cân nhắc kỹ hơn việc đưa giá trị “sáng tạo” như là một phẩm chất quan trọng của người Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nơi tập hợp của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và có Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) (vừa mới khai trương) của cả nước. Có thêm đầy đủ ưu đãi cho cả 12 ngành công nghiệp văn hóa, có thêm sự thông thoáng trong hợp tác công tư ở cả bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa, hay cho phép áp dụng các quy định ưu đãi cho cả các thiết chế văn hóa trung ương ở Hà Nội” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội Ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế nhất trí với sự cần ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động