Cần gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Cần gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản. |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Trong đó, đáng lưu ý là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp lâm sản, thủy sản
Mục tiêu là kim ngạch xuất khẩu của hai lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nói chung, tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng, mục tiêu năm 2023 giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD.
Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao.
Các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; hỗ trợ các hiệp hội tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ, thủy sản, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi nhất là thị trường ngách.
Các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định. Xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu.
Theo thông báo, từ cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm nay, cùng với khó khăn chung của các ngành, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ (khoảng 27 - 28%).
Tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh. Các thị trường xuất khẩu đều bị co hẹp trong khi hiện hai lĩnh vực này chiếm tới 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Trước thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc, đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, bằng mức vay ngoại tệ cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.
Đối với vấn đề tín dụng và lãi suất, Chủ tịch VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo: Điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3 - 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1 - 2/2023. Đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản theo NĐ số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại