Thứ sáu 22/11/2024 19:10

Cần dừng lại chuyện người lớn dùng đòn roi để dạy trẻ em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong một thời gian ngắn, có đến 2, 3 vụ việc liên quan đến chuyện sống chết của những đứa trẻ do người tình của bố/mẹ bạo hành. Theo nhiều ý kiến, những vụ việc đau xót này sẽ còn tiếp tục xảy ra khi trong cuộc sống còn có tình trạng người lớn luôn tìm lý do để đánh hoặc dùng đòi roi để dạy trẻ em.
Cần dừng lại chuyện người lớn dùng đòn roi để dạy trẻ em
10 chiếc đinh đã đóng vào đầu bé gái 3 tuổi ở huyệnThạch Thất

Có tình trạng người lớn luôn tìm lý do để đánh trẻ em

Lý do, nguyên nhân bởi đâu càng ngày càng có nhiều những câu chuyện đau lòng đó xảy ra là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người. Về vấn đề này, bác sỹ Trần Văn Phúc – Bệnh viên Xanh Pôn bày tỏ quan điểm, vốn bấy lâu nay, niềm tin không làm tổn thương một đứa trẻ được tồn tại bởi nhiều lí do khác nhau, trong đó có lí do quan trọng nhất, trẻ em là vô tội nên cần được bảo vệ và tránh mọi nguy hiểm.

Mở đầu cuốn sách Tam Tự Kinh có từ hơn 700 năm trước là bài học “Nhân chi sơ – Tính bản thiện”, nghĩa là trẻ em sinh ra vốn hiền lành, lương thiện.

“Nhìn vào bức ảnh thi hài bé Vân An trong chiếc áo cộc tay cũ kĩ màu hồng, đầu tóc ướt sũng, miệng vẫn há hốc như đang kêu ú ở trước lúc chết, tôi thực sự kinh hãi về sự ác độc của những kẻ biến thái về tâm hồn, bệnh hoạn về nhân cách và đạo đức. Bức ảnh ấy làm tôi thẫn thờ suốt nhiều ngày” – bác sỹ Phúc nói.

Nhưng chưa đầy 4 tuần sau, một bức ảnh chụp Xquang khác đã khiến anh ám ảnh mỗi đêm. "Tôi ngồi đếm đi đếm lại, có 3 chiếc đinh đóng sâu vào thái dương bên trái, 2 chiếc đinh đóng vào đỉnh chẩm phải, 5 chiếc nữa đóng vào đỉnh chẩm trái; tổng cộng 10 chiếc đinh đã đóng vào đầu bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất" - lời bác sỹ Phúc.

Anh kể, nhiều năm trước khi đến Thụy Điển, một buổi sáng trên đường từ nhà tới trung tâm văn hoá nghệ thuật ở Malmo, khi thấy một cậu bé thiếu niên 14 tuổi ngủ bên hông nhà thờ, người dân ở đó đã báo cho cảnh sát thành phố. Khi cảnh sát đến, họ lập tức phong toả khu vực xung quanh, tạo một khoảng cách an toàn cho đứa trẻ.

Sau đó bố mẹ cậu bé xuất hiện với đồ ăn thức uống. Xe cứu thương đưa bác sĩ đến khám. Và bác sĩ tâm lí, nhân viên xã hội, thầy cô giáo và bạn thân… Họ ở bên đứa trẻ từ sáng cho đến chiều.

“Tôi đặt câu hỏi với cảnh sát: Tại sao không thằng bé về đồn giải quyết? Cảnh sát đã trả lời tôi rằng, họ không được phép làm cho đứa trẻ đau, càng không được phép làm nó sợ; nhiệm vụ của cảnh sát, của bác sĩ và của nhân viên xã hội, là phải tìm cho bằng ra nguyên nhân tại sao đứa trẻ lại bỏ nhà đi hoang, ví dụ như stress, hay bị bạo hành...

“Nhưng nếu đó là đứa trẻ hư hỏng thì sao?” - Tôi tiếp tục đặt ra câu hỏi. Và câu trả lời của cảnh sát làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều: “Thụy Điển không có những đứa trẻ hư hỏng, chúng tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng đất nước Thụy Điển không phải nuôi dưỡng những đứa trẻ hư hỏng", anh kể.

Theo anh, câu chuyện mà anh chứng kiến ở Thụy Điển ngược lại với câu chuyện những đứa trẻ bị người lớn bạo hành, thậm chí tra tấn cho đến chết ở Việt Nam. Ở nước ta, có tình trạng người lớn họ luôn tìm ra lí do để đánh trẻ con. Và những người xung quanh, có những người thân của trẻ, ai cũng tìm được lí do cho sự thờ ơ của mình.

“Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một bé gái 8 tuổi, bị người bố làm ngơ để dì ghẻ hờ đánh đập hàng ngày nhân danh “dạy dỗ con cái”, cuối cùng là trận “đòn thù” bốn tiếng đồng hồ và cháu bé chết trong đớn đau cực hình? Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một bé gái 3 tuổi, bị người tình của mẹ đầu độc bằng thuốc diệt cỏ, bắt nuốt đinh, đánh gãy tay, rồi cuối cùng là đóng 10 cái đinh cắm sâu vào não? Bạn nghĩ gì, khi hàng ngày đâu đó, những ông bố bà mẹ nhân danh dạy con họ, để trút lên đầu trẻ những trận đòn thừa sống thiếu chết? Tôi thì cho rằng, nếu chúng ta vẫn tìm ra được lí do để cho rằng mình là người ngoài cuộc không có lỗi, thậm chí ai đó cổ vũ cho hành động đánh trẻ; thì chúng ta sẽ biến nơi mình đang sống trở thành địa ngục đẫm máu trong tương lai” - anh nói.

Cần dừng lại chuyện người lớn dùng đòn roi để dạy trẻ em
Có tình trạng người lớn họ luôn tìm ra lí do để đánh trẻ con

Xử lý vi phạm chưa nghiêm!

Trong quá trình công tác, không ít lần gặp những vụ án đau lòng, nhất là những vụ bạo lực trẻ em, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận ở nhiều nguyên nhân. Về góc độ xã hội, theo luật sư Hùng, những năm gần đây, do nền kinh tế phát triển không cân đối về cơ cấu tư liệu sản xuất và sức lao động xã hội, dẫn đến một số lượng lao động không có việc làm và thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó phúc lợi xã hội chưa đảm bảo giúp cho mọi người dân được hưởng trợ cấp để có cuộc sống ổn định, điều đó dẫn tới người dân luôn phải căng mình để làm sao có thu nhập có thể nuôi mình và chăm sóc gia đình, bằng mọi hình thái lao động.

Việc vận động này tạo ra nhiều xu hướng tích cực, nhưng cũng hình thành không ít xu hướng tư tưởng tiêu cực. Từ những tư tưởng như thích hưởng thụ, ngại lao động chân tay, kiếm tiền bằng những hành vi thủ đoạn vi phạm pháp luật, vô trách nhiệm khi chăm sóc, nuôi dưỡng đối với cả cha, mẹ, người đã sinh thành ra mình, đạo lý cơ bản truyền thống bị xem nhẹ. Tình cảm, đạo đức ngày càng có những suy thoái trầm trọng. Trong thực tế, nhiều vụ đánh người gây thương tích hay giết người, chỉ do những lý do rất nhỏ, rất bình thường.

Luật sư Hùng cho rằng, ngoài việc suy thoái về đạo đức, còn là việc xử lý vi phạm không cương quyết, không triệt để, còn hình thức, hoặc mang trong đó bóng dáng của sự vi phạm pháp luật của người thực thi pháp luật dẫn tới "nhờn luật" mà dễ có xu hướng coi thường pháp luật.

“Nhưng điều cần nói đó không chỉ là xu hướng tăng sự bạo hành đối với trẻ em ấy mà phải nhận thấy việc xử lý những hành vi ấy thiếu sự đồng bộ cả phía cơ quan pháp luật và quản lý của chính quyền cùng sự chung tay của cộng đồng. Không có sự duy trì thường xuyên một cách tích cực ngay từ cơ sở cộng đồng ví như hàng xóm, người cùng sống ở chung cư, chính quyền phường, xã, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và các tổ chức bảo vệ bà mẹ, trẻ em” – luật sư Hùng phân tích.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động