Thứ sáu 29/03/2024 13:56
Khi nghệ sĩ quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội:

Cần đề cao trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều tổ chức, DN đã lợi dụng hình ảnh các nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Song, theo luật sư, nếu quảng cáo được thổi phồng, sai sự thật thì đó là hành vi bị cấm đã được quy định trong các bộ luật, thông tư và nghị định.
Một số nghệ sĩ bị lên án vì quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm thực phẩm chức năng
Một số nghệ sĩ bị lên án vì quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm thực phẩm chức năng

Sản phẩm được “thổi phồng”

Thực tế, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng là hình thức phổ biến. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Đáng chú ý, nhiều tổ chức, DN đã lợi dụng hình ảnh các nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Điều đáng nói cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều đoạn quảng cáo quá lố và không có tính khoa học, đặc biệt là những tuyên bố chữa dứt những căn bệnh mãn tính, sặc mùi lừa đảo xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội.

Đến nỗi có Đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Một số nghệ sĩ, diễn viên yếu đuối quá, bị bệnh nhiều quá, nào là thấp khớp, tiểu đường, cao máu, trĩ nội, trĩ ngoại, tóc bạc, đau gan, đau thận, xuất tinh sớm, yếu sinh lý, cao mỡ… Nhưng lạ ở chỗ, bệnh tự nhiên xuất hiện khi đi đóng quảng cáo chứ thường ngày thì không thấy…”.

Một số nghệ sĩ vì tiền mà bất chấp quảng cáo những sản phẩm sai sự thật. Hậu quả là những khán giả xem được quảng cáo bị hiểu sai về sản phẩm được những nghệ sĩ đó quảng cáo rồi đặt mua mà không hề biết rõ về chất lượng cũng như công dụng của sản phẩm đó. Tình trạng nghệ sĩ nói quá lố, “thổi phồng” công dụng của sản phẩm so với nội dung cho phép quảng cáo là đang vi phạm các quy định trong lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng cấm quảng cáo làm người dân hiểu lầm sản phẩm này có tác dụng hơn thuốc. Có trường hợp nghệ sĩ và nhãn hàng tự thỏa thuận kịch bản quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Tiktok….

Trước đó, trong một Hội thảo do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp tổ chức, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, nhiều DN đang có tình trạng "đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo". Không ít đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để "thổi phồng" tác dụng của thực phẩm chức năng.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với Facebook, Google, YouTube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định

Vậy việc quảng cáo truyền thông sai sự thật để lại những hậu quả gì? Và nghệ sĩ quảng cáo truyền thông sai sự thật bị xử phạt ra sao? Trả lời câu hỏi này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, hành vi quảng bá sản phẩm, dịch vụ của một số nghệ sĩ có thể xem là đồng phạm với nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đó trong việc "lừa dối người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo". Đ

ây là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong trường hợp nếu đã bị xử lý hành chính nhưng người vi phạm vẫn tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Nếu người cung cấp sản phẩm, dịch vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khả năng cao những nghệ sĩ quảng bá cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, theo điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP).

Ngoài việc bị cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 197, BLHS năm 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

“Trong cả tội danh nêu trên, thì tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà sử dụng các cá nhân nghệ sĩ, người có ảnh hưởng nhất định trong một số lĩnh vực (gọi chung là người nổi tiếng) sẽ bị truy cứu với vai trò là người chủ mưu, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội, còn người nổi tiếng có thể bị xem xét là đồng phạm với vai trò người giúp sức. Như vậy, tùy vào từng hành vi vi phạm, mức độ vi phạm cụ thể mà cơ quan chức năng sẽ xem xét áp dụng tội danh phù hợp. Chỉ mong rằng, khi các cá nhân là nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng – người có tầm ảnh hưởng nhất định đến công chúng một khi tham gia quảng bá cho sản phẩm, dù là hình thức nào cũng cần thông tin đúng về sản phẩm trên cơ sở nội dung quảng cáo đã được cấp phép. Không vì quyền lợi cá nhân mà thổi phồng, nói quá mức về tác dụng của sản phẩm”, luật sư Nguyên cho hay.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho rằng, đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cần phải có chế tài nghiêm khắc. Theo đó, nên tăng mức xử phạt hành chính đối với những hành vi này, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại lớn cho người dân, cho xã hội. Ngoài ra, có thể áp dụng thêm biện pháp cấm hoạt động nghệ thuật trong một thời gian nhất định, thậm chí cấm vĩnh viễn. Bởi lẽ, không thể mang danh hoạt động nghệ thuật chỉ vì tiền, vì món lợi trước mắt mà vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt họ đã đi ngược lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật đó là hướng đến cái đẹp, chân - thiện - mỹ.

Việc tăng cường các biện pháp, chế tài nghiêm khắc đối với các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức, nhất là quảng cáo sai sự thật là rất quan trọng. Điều này không chỉ chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa các nghệ sĩ khác vi phạm về sau, nhất là không thể để tình trạng này mãi tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: “Bộ Thông tin Truyền thông đang phối với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xử lý vấn đề này. Chúng tôi dự kiến khi ban hành sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn…”. Thông tin này nhận được sự ủng hộ của công chúng với hy vọng chấm dứt những "con sâu làm rầu nồi canh".
Tăng cường trách nhiệm trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp
Ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại là cần thiết
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động