Ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại là cần thiết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThừa phát lại Phạm Anh Dũng. |
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã ký Thông tư số 08/2022/TT-BTP về việc ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL. Trong đó, thông tư nêu rõ, TPL là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án dân sự; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Thông tư quy định những quy tắc chung như bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội; Bảo đảm thượng tôn pháp luật, độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật; Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp; Rèn luyện, tu dưỡng bản thân, TPL phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; chủ động học hỏi để trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng công việc, phục vụ người yêu cầu.
Ngoài ra, TPL có trách nhiệm giữ bí mật, hướng dẫn thư ký nghiệp vụ, nhân viên của Văn phòng mình giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong và sau khi giải quyết yêu cầu.
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong hành nghề, là cơ sở để TPL rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, trách nhiệm nghề nghiệp, góp phần củng cố vị trí, vai trò của nghề TPL trong xã hội.
Chia sẻ về việc cần thiết của thông tư, TPL Phạm Anh Dũng, Trưởng văn phòng TPL Việt Hưng cho biết, Bộ Tư pháp ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL là điều cần thiết đối với hoạt động và tác nghiệp của văn phòng TPL và TPL.
Thực tế hiện nay, một số văn phòng TPL và TPL tác nghiệp không đúng với chuẩn mực đạo đức mà mang bản chất thương mại hóa. Ví dụ, ông A và bà B được TAND công nhận thuận tình ly hôn, hai vợ chồng không yêu cầu tòa giải quyết về tài sản.
Sau đó, do làm ăn không may mắn, ông A muốn chuyển nhượng mảnh đất mà hai vợ chồng mua trong thời kỳ hôn nhân, tài sản này vẫn là tài sản chung. Nhận được yêu cầu của khách hàng, TPL đến lập vi bằng ghi nhận sự việc ông A chuyển nhượng mảnh đất này cho một người khác mà không có mặt hoặc có ý kiến của bà B.
Với trường hợp này, TPL lập vi bằng mà không đảm bảo tính pháp lý là trái pháp luật, trái với quy tắc đạo đức TPL và là hành vi thương mại hóa. Còn việc chuyển nhượng mảnh đất trên có mặt của bà B hoặc có văn bản của bà B được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận về việc bà B đồng ý cho ông A được toàn quyền chuyển nhượng mảnh đất trên, giao kết không khiếu nại, không tranh chấp và không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì liên quan đến quyền lợi chung là mảnh đất đó. Lúc này, TPL sẽ ghi toàn bộ nội dung trên vào vi bằng hoặc gắn văn bản của bà B vào vi bằng thì đây được gọi là tác nghiệp xã hội hóa.
“Như Bác Hồ đã dạy, dù là công bộc hay bất kỳ nghề nào kể cả nghề dịch vụ đều phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp bởi đạo đức chính là kim chỉ nam, điều khiển hành vi. Khi tác nghiệp nếu như không có chuẩn về đạo đức thì công bộc không phục vụ được cho Nhân dân mà làm sai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dịch vụ thì mang lợi ích cá nhân, từ hành vi trên sẽ xảy ra những hậu quả pháp lý vô cùng nặng nề”, ông Phạm Anh Dũng chia sẻ.
Theo ông Phạm Anh Dũng, việc Bộ Tư pháp ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL là một kim chỉ nam, một thể chế bắt buộc khi làm nghề. Đây cũng là một công cụ để lập lại trật tự, kỷ cương giúp cho văn phòng TPL, mỗi cá nhân TPL, thư ký nghiệp vụ tuân thủ pháp luật khi tác nghiệp, tránh những rủi ro và tranh chấp, khiếu nại không cần thiết.
Nguyên tắc kiểm tra tổ chức và hoạt động Thừa phát lại | |
Tiên phong trong việc tổ chức và hoạt động Văn phòng Thừa phát lại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại