Thứ sáu 03/05/2024 16:53

Cần đầu tư vào cơ sở vật chất, chương trình hợp tác đảm bảo tích hợp nhu cầu thực tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ cho biết, quy mô đào tạo đại học tăng hàng năm nhưng vẫn có tình trạng sinh viên tốt nghiệp lựa chọn công việc không đúng chuyên môn dẫn tới lãng phí thời gian, nguồn lực đào tạo...
Cần đầu tư vào cơ sở vật chất, chương trình hợp tác đảm bảo tích hợp nhu cầu thực tế
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Nguyễn Thái.

Mới đây, tại Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp thứ nhất của Tiểu ban giáo dục đại học với chủ đề: “Định hướng báo cáo đánh giá tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết 29/NQ-TW (NQ29)”.

Trình bày tại phiên họp, GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực đã có bài tham gia ý kiến.

Tỷ lệ đào tạo đại học tăng hàng năm

Theo đó, GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ cho biết, hàng năm, quy mô đào tạo đại học tăng trung bình 4,4% trong giai đoạn 2013 - 2022. Điều này đã góp phần tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 22 được tiếp thu giáo dục đại học (GDĐH) từ 25,2% (năm 2013) lên 35,4% (năm 2021). Trong cả giai đoạn 10 năm qua, tỷ lệ tăng bình quân là 6,1%.

Về phát triển nghiên cứu khoa học: Số lượng bài báo được công bố trong danh mục Scopus (bao gồm cả ISI) của Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm gần đây với khoảng 94 - 95% tổng số bài báo được công bố đến từ cơ sở GDĐH. Vào năm 2018, có 8.783 bài báo, năm 2019 tăng lên 12.566 bài báo và năm 2020 ước khoảng 20.000 bài báo.

Bên cạnh đó, một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế: Có 9 trường đại học đã được đánh giá và công nhận theo các tiêu chuẩn đánh giá của các tổ chức như Hội đồng Cấp cao về Đánh giá Nghiên cứu và Giáo dục Đại học Pháp (HCERES), Hiệp hội Đảm bảo chất lượng Đại học Đông Nam Á (AUN-QA), Hiệp hội Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đức (FIBAA) và Cơ quan Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Vương quốc Anh (QAA). Đồng thời, có 393 chương trình đào tạo đã được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục uy tín ở nước ngoài.

Năm 2022, có 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE; 5 cơ sở GDĐH trong Bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities); 10 cơ sở GDĐH trong bảng xếp hạng Webometrics; 11 cơ sở GDĐH trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022); 7 cơ sở GDĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022.

Năm 2023, có 5 cơ sở GDĐH có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023; 9 cơ sở GDĐH Việt Nam có trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2023; 11 ngành đào tạo tại 6 CS GDĐH của Việt Nam được xếp hạng trong top 51 - 630 tốt nhất thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS).

Các cơ sở giáo dục ở Việt Nam đã đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề. Trong khoảng thời gian 3 năm gần đây, đã có một sự gia tăng đáng kể về số lượng các chương trình đào tạo mới tại các cơ sở GDĐH so với tình hình vào năm 2013. Danh sách các ngành đào tạo được thống kê đã được bổ sung với nhiều ngành mới, nhằm thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác.

Việc thêm các ngành đào tạo mới vào danh sách này đã được thực hiện theo hướng tiếp cận từ cơ sở lên, đảm bảo tính khoa học và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Điều này giúp các cơ sở giáo dục đại học dễ dàng phát triển các ngành học mới, đáp ứng linh hoạt với sự biến đổi liên tục của yêu cầu đào tạo từ thị trường lao động.

Cần đầu tư vào cơ sở vật chất, chương trình hợp tác đảm bảo tích hợp nhu cầu thực tế
GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Thái.

Về hội nhập quốc tế, giai đoạn 2013 - 2022, Bộ GD&ĐT đã cử 11.657 người (4.049 tiến sĩ, 1.877 thạc sĩ, 5.070 đại học và 661 thực tập) đi học ở nước ngoài tại hơn 40 nước trên thế giới, trong đó số lượng giảng viên, viên chức các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được cử đi học ở nước ngoài là 3.535 người (3.225 tiến sĩ, 258 thạc sĩ, 52 thực tập). Đến hết năm 2022 các đề án, chương trình học bổng Hiệp định đã có khoảng 7.186 người tốt nghiệp, về nước.

Trong giai đoạn 2013 - 2022, có 18 thỏa thuận và điều ước quốc tế có hiệu lực làm căn cứ cho việc tiếp nhận lưu học sinh (LHS) nước ngoài diện Hiệp định và đã thực hiện tiếp nhận 12.482 LHS vào học tập ở các trình độ đại học, sau đại học và thực tập tiếng Việt. Số lượng LHS nước ngoài nói chung đang học tập tại Việt Nam khoảng 20.000 LHS, trong đó LHS diện Hiệp định gần 4000 người, chủ yếu LHS Lào, Campuchia.

GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ nêu quan điểm, việc mở cửa và nâng cao chất lượng đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thành lập và phát triển các trường đại học, cơ sở giáo dục cao cấp, thậm chí cả các trường đại học tư thục. Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình đánh giá nội dung giảng dạy.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học

GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ cho biết thêm, quy mô đào tạo đại học tăng hàng năm nhưng vẫn nằm ở mức trung bình khá của thế giới, vẫn tập trung ở khối các trường công lập, tập trung ở hình thức đào tạo chính quy. Có sự phân hóa lớn về số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào, chủ yếu tập trung các ngành ngề, lĩnh vực y tế, khoa học sực khỏe, kinh tế và công nghệ. Một số lĩnh vực như: công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường… còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, nhiều nơi không đủ chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu chế độ, chính sách học bổng phù hợp gắn đào tạo sau đại học với các đề tài nghiên cứu khoa học. Ngân sách chi cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo sau đại học chủ yếu từ các chương trình, đề án nghiên cứu từ đặt hàng, giao nhiệm vụ từ Nhà nước. Tính ứng dụng thực tiễn của các đề tài nghiên cứu chưa cao, chưa thu hút các doanh nghiệp đặt hàng cơ sở nghiên cứu trong trường đại học.

Một số chương trình đào tạo vẫn không phản ánh chính xác nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Do đó, tốt nghiệp không đảm bảo việc làm cho tất cả sinh viên và gây ra tình trạng thất nghiệp tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ lựa chọn đi làm ngay để có thu nhập hơn là lựa chọn con đường nghiên cứu, học tiếp lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều sinh viên tốt nghiệp lựa chọn công việc không đúng chuyên môn dẫn tới lãng phí thời gian, nguồn lực đào tạo.

Chất lượng đào tạo không đồng đều. Mặc dù có sự tăng cường đầu tư và đổi mới, nhưng chất lượng đào tạo ở các cơ sở có sự phân hóa rõ rệt. Một số trường có chất lượng giảng dạy và nghiên cứu kém, gây ra sự bất bình đẳng trong chất lượng đào tạo giữa các cơ sở. Việc phát triển cơ sở vật chất như phòng học, phòng thí nghiệm vẫn chưa đồng bộ giữa các trường. Điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập và nghiên cứu của sinh viên.

Từ những khó khăn, thực tiễn trên, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng đề xuất cần ban hành Nghị quyết riêng về lĩnh vực giáo dục đại học phù hợp với thực trạng xã hội cũng như đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, phòng thí nghiệm và công nghệ để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình học tập và nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng các chương trình hợp tác đa dạng với doanh nghiệp để đảm bảo tích hợp nhu cầu thực tế vào giảng dạy và học tập.

Các trường cần hỗ trợ giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu có ảnh hưởng, khuyến khích sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu. Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học quốc tế, khuyến khích sinh viên tham gia vào các chương trình trao đổi quốc tế và học tập đa văn hóa.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và đề nghị Vụ Giáo dục đại học tiếp thu tối đa để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết 29.

Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động