Thứ bảy 20/04/2024 12:41

Cán bộ tổ dân phố là tuyên truyền viên giới thiệu Luật Bầu cử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Nếu nhờ người khác đi bầu cử thay có được không? Trường hợp đi cách ly tập trung thì thực hiện quyền bầu cử ra sao?”... Đó là những câu hỏi của người dân đặt cho các cán bộ tổ dân phố khi nghe tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Cán bộ tổ dân phố là tuyên truyền viên giới thiệu Luật Bầu cử

Cử tri hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của mình khi đi bỏ phiếu sẽ góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Hiểu về Luật Bầu cử

Là người rất năng động và tâm huyết với các hoạt động xã hội ở địa phương, ông Đỗ Ngọc Bốn – Bí thư chi bộ 16 phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước 5 năm mới tổ chức một lần. Tuy nhiên, vẫn có người dân chưa hiểu được hết quyền và nghĩa vụ của mình khi đi bầu cử.

Lúc đó, các cán bộ của tổ dân phố và phường đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến để bà con nắm vững những quy định cơ bản trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (gọi tắt là Luật Bầu cử). Khi tuyên truyền, người dân cũng nêu ra không ít thắc mắc liên quan đến công tác bầu cử. Tuy nhiên, với vai trò là những người luôn gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân tại địa bàn dân cư, ông Bốn hiểu rằng, mỗi thắc mắc của bà con mình cần phải tiếp nhận và giải thích rõ ràng nhất. Từ đó hóa giải những khúc mắc để cùng nhau đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ông N.V.M, 70 tuổi, cử tri ở phường Cầu Diễn nêu: Gia đình ông có 5 người gồm cả vợ, hai vợ chồng con trai, cháu nội 18 tuổi đều có thẻ cử tri. Tuy nhiên, tới ngày bầu cử thì chỉ một mình tôi đại diện gia đình tới địa điểm bầu cử để thực hiện việc bỏ phiếu thì có được không? Ông Bốn giải thích với ông M rằng, việc này là sai nguyên tắc.

Theo quy định tại điều 69 của Luật Bầu cử năm 2015, cử tri phải tự mình đi bầu cử và phải mang theo thẻ cử tri, không được nhờ người khác bầu cử thay. Nếu cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Tương tự, ông T.V.H, 61 tuổi, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, đặt câu hỏi, những đối tượng nào không được quyền bầu cử. Với vai trò là Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố Trung Bình, phường Dương Nội, ông Trần Bằng Giang đã cùng với cán bộ tổ dân phố tới tận nhà phát thẻ cử tri và phân tích về điều này.

Cán bộ tổ dân phố là tuyên truyền viên giới thiệu Luật Bầu cử
Ông Đỗ Ngọc Bốn luôn cập nhật các thông tin về Luật Bầu cử để phổ biến lại tới bà con nhân dân tại địa bàn dân cư.

Theo điều 30 Luật Bầu cử, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri gồm: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, với các đối tượng nêu trên nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24g được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì đều được bổ sung tên vào danh sách cử tri, được phát thẻ cử tri và đi bầu cử. Ngoài ra, đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Nếu bị cách ly y tế thì bầu cử ra sao?

Trò chuyện cùng PV, ông Trần Bằng Giang cũng cho hay, địa bàn phường Dương Nội cũng có một số trường hợp F1 tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 nên phải cách ly tập trung. Có người dân đặt câu hỏi, nếu bị cách ly y tế tập trung do dịch bệnh Covid-19 thì có được quyền bầu cử hay không? Ông Giang cho biết: Trường hợp cử tri bị đi cách ly y tế tập trung, chậm nhất 24g trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu thì người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm lập danh sách và thông báo đến UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cách ly tập trung theo quy định. Đồng thời, thông báo ngay tới UBND cấp xã nơi cử tri đã có tên trong danh sách cử tri trước đó để cập nhật thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Cán bộ tổ dân phố là tuyên truyền viên giới thiệu Luật Bầu cử
Ông Trần Bằng Giang, tổ dân phố Trung Bình, phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Dương Nội, quận Hà Đôn, việc tuyên truyền, phổ biến về Luật bầu cử tới người dân theo nhiều hình thức cả trực tiếp, trực tuyến thông qua mạng xã hội là điều vô cùng quan trọng. Bản thân mỗi cán bộ tổ dân phố phải là người thực sự hiểu và nắm chắc những quy định cơ bản của luật thì mới phổ biến được cho người dân.

Điều 27, Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Như vậy, quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện được thực hiện việc lựa chọn đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình sẽ tự giác đi thực hiện quyền công dân của mình là hăng hái tham gia bầu cử theo quy định.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành. Đây cũng là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chính vì vậy, tham gia bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm vẻ vang của mỗi công dân.

Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động